Quốc hội thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế

Quốc hội đã thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế với 94,61% đại biểu biểu quyết tán thành.

Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương với 52 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nội dung quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế theo quy định của luật gồm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thỏa thuận quốc tế. Bảo đảm việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật. Phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thi hành pháp luật về thỏa thuận quốc tế. Tổ chức thống kê, lưu trữ thỏa thuận quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về thỏa thuận quốc tế. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế…

Luật quy định cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế gồm: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế.

Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình và tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.

Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế, Luật quy định, thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2021. Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 52 về “Quy định chuyển tiếp”, luật nêu rõ: Thỏa thuận quốc tế chưa được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đã được tiến hành theo trình tự, thủ tục ký kết quy định tại Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế thì được tổ chức việc ký kết theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này mà không phải tiến hành lại theo trình tự, thủ tục ký kết quy định tại Luật này.

Đối với thỏa thuận quốc tế đã được ký kết theo quy định tại Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế, bên ký kết Việt Nam tổ chức thực hiện và tiến hành sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/quoc-hoi-thong-qua-luat-thoa-thuan-quoc-te/413974.vgp