Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi): tạo đà cho phát triển văn hóa

Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều chuyên gia nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội phát triển lên tầm cao mới.

Điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa

Qua một thời gian có Luật Thủ đô, các khuôn khổ pháp lý hiện giờ đã không còn phù hợp với xu thế phát triển đất nước. Chính vì thế cần sửa đổi Luật để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho sự phát triển, không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn là cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế đặc thù vượt trội để Thủ đô phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế đặc thù vượt trội để Thủ đô phát triển.

Theo Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn về mọi mặt trong đó có lĩnh vực văn hóa.

“Điều 21 về Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và những điều luật khác có liên quan trong Luật Thủ đô là điều kiện thuận lợi để TP thực hiện thắng lợi Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021, về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” - Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến nhấn mạnh.

Ông Trương Minh Tiến tin tưởng rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách vượt trội để các cấp, ngành triển khai tốt hơn nữa và từ đó có tác động hai chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô.

Thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế, những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng là tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước.

Trong Luật Thủ đô được thông qua lần này, có rất nhiều quy định liên quan đến văn hóa, không chỉ tại Điều 21 quy định riêng về các vấn đề liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch mà trong các điều khoản khác cũng có những quy định về các khu công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo...

Luật Thủ đô đã tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó tạo ra những thuận lợi giúp lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới. “Tôi đánh giá rất cao các điều khoản, trong đó thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Nghị quyết 09-NQ/TU đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các TP trong khu vực. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của TP. Con số này đến năm 2045 là 10%.

Để các mục tiêu này trở thành hiện thực, những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô sẽ giúp những quan điểm, chủ trương được thực hiện tốt hơn.

Bày tỏ niềm vui khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết: “Ngay trong tháng 7 tới, chúng ta sẽ triển khai kế hoạch liên quan đến phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Đây sẽ là điều kiện tuyệt vời, môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có thể yên tâm có được những dự án phát triển văn hóa nói riêng, cũng như phát triển Thủ đô nói chung một cách thuận lợi” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Sáng 28/6, với 462/470 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-thu-do-sua-doi-tao-da-cho-phat-trien-van-hoa.html