Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ
Sáng 23.7, Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Sau đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 với 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.
Theo đó, 100% đại biểu Quốc hội có mặt (470 đại biểu) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Nghị quyết nêu rõ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ. Cụ thể gồm các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Bộ Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.
Các cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Nghị quyết có hiệu lực sau khi được Quốc hội thông qua.
Trước đó vào sáng 22.7, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý từng bước được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII đề ra, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Việc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gắn với thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện đã khắc phục cơ bản sự chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng nhất để tiếp tục duy trì và kiện toàn mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ cũng tiếp tục được hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Trong các lĩnh vực có sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan, Chính phủ đã phân công rõ cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề giao thoa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Cùng với đó, cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn, bước đầu tinh gọn; các tổ chức ngành dọc như thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, thống kê, thi hành án dân sự,... được tổ chức quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.