Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021: Bội chi ngân sách tương đương 4% GDP
Chiều 12/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 chính thức được thông qua với 92,53% đại biểu Quốc hội tán thành.
Theo đó, Nghị quyết đã quyết nghị thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Cụ thể, tăng bội chi ngân sách trung ương để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Giao Chính phủ phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước; thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách trung ương năm 2020. Trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng (3,7% GDP), bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng (0,3% GDP). Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.
Cùng với dự toán 2021, Nghị quyết cũng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Cụ thể, tăng bội chi ngân sách trung ương 133.500 tỷ đồng để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, giao Chính phủ phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước, thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách Trung ương năm 2020.
Trong năm 2020, Quốc hội thống nhất không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trường hợp cân đối thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các địa phương phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2020 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, các chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; trường hợp còn hụt thu cân đối thì phải rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; đồng thời, địa phương được tính giảm nguồn cải cách tiền lương tương ứng 50% số hụt thu ngân sách địa phương.
Đồng thời, Nghị quyết quyết nghị việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước từ nguồn 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 còn dư của Bộ Công an; bổ sung dự toán chi đầu tư lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội cho Bộ Công an để thực hiện các dự án đã được phê duyệt đầu tư. Bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp và nguồn tài chính hợp pháp khác theo Báo cáo số 36/BC-CP ngày 15/101/20202 của Chính phủ. Bổ sung dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ nguồn vốn ngoài nước cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tài chính đối với Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.
Tiếp tục chuyển nguồn kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản từ năm 2019 chuyển sang và sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 để thực hiện mục tiêu hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Ai-Len để thực hiện Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 cho 5 địa phương.
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh cuộc họp.
Bổ sung dự toán vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại cho 3 địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài nước. Cho phép sử dụng một phần số vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021. Cụ thể, Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo Đề án đã được phê duyệt.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ, năm 2021, tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia, cơ chế điều tiết một số khoản thu đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội về kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; cho phép tiếp tục sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14. Tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, đồng thời bổ sung thêm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong phân bổ ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương. Dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; ưu tiên bố trí kinh phí cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các chuyên khoa Phong, Lao, Tâm thần; bảo đảm kinh phí triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã. Rà soát, tổ chức sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đồng thời, giao Chính phủ, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về giám sát và kiểm toán việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; giao Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này./.