Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay 16-11, với tỷ lệ tán thành đạt 87,14% trên tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Theo đó, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14; Quốc hội quyết nghị: Chính quyền địa phương ở TPHCM (sau đây gọi tắt là TP) là cấp chính quyền địa phương, gồm có Hội đồng nhân dân TP và Ủy ban nhân dân TP. Chính quyền địa phương ở quận tại TP là Ủy ban nhân dân quận.
Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.
Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, theo phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố và theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố thuộc Thành phố.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-7-2021.
Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Kể từ ngày 1-7-2021, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này.
Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường mới được bổ nhiệm.
Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, phường được ban hành trước ngày 1-7-2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
-------------------------
Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, PV Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến về nội dung này.
* ĐB PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM: Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ là hết sức quan trọng, mấu chốt
Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là sự động viên rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và cử tri TP. Cùng với một loạt nghị quyết trước đó, đây là “cú hích” cho TPHCM thể hiện vai trò là đầu tàu kinh tế lớn và luôn phát triển vì cả nước, cùng cả nước.
Đặc biệt sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM vừa qua, với các chương trình trọng điểm, đột phá đòi hỏi bộ máy chính quyền phải càng tinh gọn, sắp xếp hoạt động bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường sự gặp gỡ, đối thoại với cử tri để giám sát và phát huy dân chủ đúng mức. Việc không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND TP; các tổ chức chính trị, MTTQ… Như vậy, quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao. Việc giám sát của người dân thông qua các kênh mở rộng xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu của cử tri buộc cán bộ, công chức phải thực hiện trách nhiệm xây dựng chính quyền vững mạnh, bảo đảm cuộc sống yên bình người dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh gọn bộ máy đảm bảo tiết kiệm ngân sách, có thêm nguồn lực cho chương trình đầu tư phát triển, chính sách dân sinh.
Trách nhiệm của TPHCM là phải thực hiện thật tốt mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần TP vì cả nước. Đây là lúc các điều kiện chín muồi và mong mỏi của người dân, của cử tri, chính quyền TP đã được đáp ứng. Nghị quyết sẽ tạo ra sức bật mới cho TPHCM, phát huy được lợi thế trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Vấn đề vướng mắc khi triển khai, có lẽ là công tác cán bộ. Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ là hết sức quan trọng, mấu chốt. Do vậy, vấn đề chất lượng cán bộ phải rất cao, để thực hiện đề án một cách tốt đẹp, thuận lợi. Chính từng cán bộ tự rà soát, khảo nghiệm mình xem có đáp ứng được với yêu cầu của chính quyền đô thị hay không. Việc sắp xếp, sàng lọc, bố trí lại cán bộ là điều tất nhiên nhằm bảo đảm chính quyền đô thị vận hành tốt nhất.
* ĐB NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Phải lựa chọn cho được những đại biểu HĐND có tâm, có tầm
Với mô hình đã được Quốc hội thông qua, TPHCM sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn, có điều kiện để quyết định những vấn đề phù hợp cho sự phát triển của TP, từ đó thúc đẩy sự phát triển của TP. TPHCM phát triển cũng có nghĩa là đóng góp cho sự phát triển của đất nước nhiều hơn. Trong quá trình triển khai nghị quyết, TPHCM cần lưu tâm một số vấn đề. Một là phải lựa chọn cho được những đại biểu HĐND (đặc biệt là đại biểu chuyên trách). Với đại biểu HĐND chuyên trách, phải lựa chọn những người đủ sức để thực hiện nhiệm vụ. Đó là người phải toàn tâm, toàn ý hoạt động với tư cách là đại biểu dân cử; phải có đầy đủ các tiêu chuẩn, bản lĩnh, kiến thức, năng lực, biết vì dân để phục vụ… Khi Quốc hội đồng ý cho TPHCM tăng số lượng đại biểu thì cũng là mong muốn Đảng bộ và người dân TPHCM phải lựa chọn cho được những gương mặt đại biểu HĐND có tâm, có tầm và có bản lĩnh thì mới có thể đảm đương nhiệm vụ của mình”.
* ĐB VŨ TIẾN LỘC (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: TPHCM là cái nôi của những sáng tạo, đổi mới
TPHCM là động lực tăng trưởng, đồng thời là cái nôi của những sáng kiến, sáng tạo, đổi mới. Trong giai đoạn mới, TPHCM cần phải tiếp tục những sứ mệnh mới của mình, trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước, cũng là nơi đưa ra những sáng kiến về cải cách. Chúng tôi hy vọng với nghị quyết này của Quốc hội sẽ tạo thêm điều kiện cho TPHCM phát triển, không chỉ là tăng trưởng thêm GRDP, không chỉ là thêm việc làm, không chỉ là thêm nguồn thu cho ngân sách mà còn là những sáng kiến cải cách, những nguồn cảm hứng và động lực cho cải cách trong cả nước.