Quốc hội thông qua nhiều dự án luật trong chương trình kỳ họp thứ 10
Ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Thỏa thuận quốc tế.
Việc thông qua các dự án luật nói trên được các đại biểu Quốc hội tiến hành sau khi nghe lãnh đạo các Ủy ban chức năng của Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình. Cùng với việc thông qua Luật Biên phòng Việt Nam vào ngày 11/11/2020, đến nay Quốc hội đã hoàn tất thông qua 5/7 dự án luật được trình ra kỳ họp thứ 10.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022), điều khoản được nhiều cử tri quan tâm là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” đã không được đưa vào luật. Lý do là điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu áp dụng sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến những người khác. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp trên là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự, không nên áp dụng.
Luật này cũng quy định mức phạt tối đa 500 triệu đồng áp dụng với các lĩnh vực xây dựng, lâm nghiệp, đất đai, kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, với Luật Cư trú (sửa đổi), có quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy có giá trị đến hết năm 2022, sau đó người dân sẽ chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân để chứng minh nơi cư trú. Quy định này theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) từ giữa năm 2021.
Trước đó trong chương trình họp ngày 11/11/2020, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Theo Nghị quyết, tổng số thu NSNN năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTƯ) là 318.870 tỷ đồng (3,7% GDP), bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 24.800 tỷ đồng (0,3% GDP). Tổng mức vay của NSNN là 608.569 tỷ đồng.
Cùng với dự toán 2021, Nghị quyết cũng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về dự toán NSNN năm 2020. Cụ thể, tăng bội chi NSTƯ 133.500 tỷ đồng để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, giao Chính phủ phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước, thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách Trung ương năm 2020.
Trong năm 2020, Quốc hội thống nhất không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Nghị quyết trên cũng nêu rõ, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp, tổ chức, cho phép được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.