Quốc hội Việt Nam thời kỳ 1980 - 1992

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981. Quốc hội được cụ thể hóa thành 15 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có những nội dung quan trọng như làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao về tuân theo Hiến pháp và pháp luật; quyết định kế hoạch Nhà nước và phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch Nhà nước; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước...

Quốc hội có sự điều chỉnh lớn về cơ cấu tổ chức. Đó là việc thiết lập Hội đồng Nhà nước thay cho chế định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lần đầu có chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Quốc hội khóa VII (1981 - 1987): Tổ chức bầu cử ngày 26/4/1981; tổng số 496 đại biểu. Quốc hội khóa VII với 12 kỳ họp, ban hành 10 đạo luật, 35 nghị quyết. Hội đồng Nhà nước ban hành 15 pháp lệnh. Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội được coi trọng, Hoạt động chất vấn tại kỳ họp có bước cải tiến. Thời kỳ này, hoạt động ngoại giao nghị viện được đẩy mạnh, chú trọng nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.

Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992): Tổ chức bầu cử ngày 19/4/1987; tổng số 496 đại biểu. Đây là Quốc hội đầu tiên của giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội VI của Đảng đề ra. Nhiệm kỳ này, Quốc hội họp 11 kỳ, thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước ban hành 39 pháp lệnh. Kỳ họp thứ 8 (năm 1992), Quốc hội khóa VIII chính thức sửa đổi Hiến pháp năm 1980 gọi là Hiến pháp năm1992. Hiến pháp năm 1992 đã cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

(Còn nữa)

P.L (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/148967/quoc-hoi-viet-nam-thoi-ky-1980-1992.htm