Quốc hội Việt Nam từ năm 1992 đến nay

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức hoạt động theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa trước, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Thời kỳ này, Quốc hội có 6 khóa hoạt động.

Quốc hội khóa IX (1992 - 1997): Tổ chức bầu cử ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu. Quốc hội khóa IX hoạt động theo quy định của Hiến pháp năm 1992. Quốc hội tiến hành 11 kỳ họp, ban hành 36 luật, bộ luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 43 pháp lệnh. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện của đất nước. Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết đơn, thư của Nhân dân.

Quốc hội khóa X (1997 - 2002): Tổ chức bầu cử ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu. Quốc hội khóa X tổ chức 11 kỳ họp, ban hành 1 bộ luật, 31 luật. UBTVQH ban hành 39 pháp lệnh. Nổi bật của Quốc hội nhiệm kỳ này là đã ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

Quốc hội khóa XI (2002 - 2007): Tổ chức bầu cử ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên 120 đại biểu. Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật. UBTVQH ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh ngày càng bám sát cuộc sống.

Quốc hội khóa XII (2007 - 2011): Tổ chức bầu cử ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội tăng lên thành 9 ủy ban. Số đại biểu chuyên trách tăng lên 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 4 năm, Quốc hội đã ban hành 68 luật; 12 nghị quyết; UBTVQH ban hành 13 pháp lệnh, 7 nghị quyết. Các văn bản pháp luật đã ban hành đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, thống nhất và đồng bộ. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016): Tổ chức bầu cử ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong cùng 1 ngày, quy mô lớn. Cử tri cả nước đã bỏ phiếu bầu 500 đại biểu Quốc hội. Quốc hội khóa XIII đã thông qua dự thảo Hiến pháp năm 2013 tại Kỳ họp thứ 6. Nhiệm kỳ này, Quốc hội và UBTVQH đã xem xét thông qua 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Quốc hội đã thông qua hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước, phát triển KT-XH... Đây cũng là Quốc hội đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021): Tổ chức bầu cử ngày 22/5/2016, bầu 494 đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tỷ lệ 34,91%. Quốc hội ban hành 65 luật, 99 nghị quyết. Trong đó có nhiều đạo luật quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN.

P.L (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/149015/quoc-hoi-viet-nam-tu-nam-1992-den-nay.htm