Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm

Với 97,37% đại biểu Quốc hội tán thành, chiều 24/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm.

Quốc hội thông qua 8 luật và 17 nghị quyết quan trọng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 8 luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội thông qua nghị quyết kỳ họp.

Quốc hội thông qua nghị quyết kỳ họp.

Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua một số lượng lớn nghị quyết, đó là 17 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Quốc hội đã thông qua: Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia…

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu về 8 dự án luật: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, nhất là thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn do cả yếu tố bên trong và bên ngoài; nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội giao.

Nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN

Bên cạnh những kết quả đạt được, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng kinh tế đạt thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng; thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước; hoạt động của các thị trường, nhất là thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai…

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 được thông qua với nhiều quyết sách lớn.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 được thông qua với nhiều quyết sách lớn.

Do đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đồng thời, theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt.

Trong đó, tập trung bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế các-bon.

Đồng thời, kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV…

Quốc hội đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, thuế, phí, chống thất thu, trốn thuế; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; tập trung giải quyết những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo.

Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản thu, chi không đúng quy định đã được kết luận, kiến nghị. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua./.

Giảm thuế GTGT không ảnh hưởng đến dự toán NSNN

Về thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quoc-hoi-yeu-cau-chinh-phu-dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-co-trong-tam-trong-diem-130644.html