Quốc khánh 2/9: Trở về Khu di tích K9 và những kỷ niệm gắn với Bác Hồ
Dù đã nhiều lần được đến Khu di tích lịch sử K9, nhưng hôm nay trong tôi vẫn dâng lên niềm xúc động lạ kỳ bởi lần trở lại này đúng dịp đúng kỷ niệm Quốc khánh 2/9, rất gần với ngày mất của Bác. 66 năm kể từ ngày Bác chọn nơi này là khu căn cứ bí mật, Khu K9 đã in đậm dấu ấn về cuộc đời, về những cống hiến, hy sinh cho Ðảng, cho nhân dân của Bác Hồ kính yêu.
Trở lại Khu di tích lịch sử K9 lần này, chúng tôi được nghe các anh chị trong BQL Khu di tích giới thiệu kỹ hơn về lịch sử hình thành Khu di tích lịch sử K9 cũng như quá trình bảo quản thi hài của Bác tại nơi đây. Một lần nữa, tôi được hiểu rõ hơn về Khu di tích lịch sử K9 - Khu di tích đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi Người đã qua đời.
Khu di tích lịch sử K9 – Vùng đất thiêng nơi Bác Hồ đã chọn
Khu Di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84) nằm trong hệ thống đồi gò có diện tích 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, tán lá rộng tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên gọi là Đá Chông.
Truyền thuyết kể lại rằng đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời tiền sử. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi. Địa danh này có đặc điểm rất kỳ lạ là sông Đà chảy qua Lai Châu về Hòa Bình, chảy xuôi qua đằng Khê Thượng, đến đây đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gầy, đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) gặp sông Hồng, sông Thao để rồi cùng chầu về Đền Hùng, đất Tổ.
Theo lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, vào một ngày của tháng 5/1957, Bác đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Cũng như khi Người đi công tác các tỉnh, thường không ăn cơm ở đó mà mang theo cơm nắm, thức ăn và Bác cháu cùng dùng bữa cơm dọc đường, lần này Bác dừng chân nghỉ ăn cơm trưa trên đỉnh đồi. Bác đã đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt, thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương.
Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị TW Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là bằng mật danh K9. Bác Hồ đã tới dự buổi khánh thành. Những năm sau này, nhiều lần Bác cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị lên làm việc ở đây. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.
Những dấu tích gắn với Bác Hồ
Nương theo những con đường trải sỏi, hai bên rợp bóng cây, chúng tôi đã đến khu nhà làm việc của Bác Hồ.
Ngôi nhà 2 tầng được xây dựng phỏng chế theo ngôi nhà sàn quen thuộc của Bác tại Phủ Chủ tịch. Kiến trúc ngôi nhà có nhiều sự điều chỉnh từ bản thiết kế ban đầu bởi chính Bác. Tầng 1 ngôi nhà có 2 phòng: Phòng lớn được dùng làm phòng họp của Trung ương Đảng, một phòng nhỏ là chỗ ở của đồng chí Vũ Kỳ – thư ký Bác Hồ. Những hiện vật ở đây hầu hết đều là hiện vật gốc, là những đồ dùng được chính tay Bác lựa chọn, sử dụng lúc sinh thời, gắn liền với những năm tháng Bác sống tại đất thiêng K9.
Được biết, khi xây dựng khu căn cứ, các đồng chí của chúng ta có đề nghị với Bác là lát gạch hoặc láng bê tông, nhưng Bác Hồ chỉ đạo trải sỏi cuội cho mát. Sỏi có nhiều tác dụng vừa mát chân mà những ngày mưa cũng không bị lầy lội, lại vừa phát hiện sớm thú dữ hoặc thám báo của địch. Bác thường xuyên đi trên con đường sỏi để rèn luyện sức khỏe. Nên là có vừa có tên là con đường sỏi vừa có tên là đường thể thao.
Hướng phía Tây của ngôi nhà còn có một căn hầm trú ẩn. Hầm này được xây dựng ngay sau khi ngôi nhà 2 tầng được hoàn thành. Hầm trú ẩn là nơi các cán bộ và Bác lưu lại khi máy bay Mỹ ném bom. Bên trên hầm được trồng cây để ngụy trang.
Khu vực bảo quản thì hài Bác hiện vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại đây ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày.
Mọi cảnh vật ở nơi đây dường như vẫn còn in dấu chân Người. Vùng đất huyền thoại này không chỉ là những nơi Người đã từng sống và làm việc mà còn là nơi được chọn giữ gìn thi hài của Người trong những năm chiến tranh, suốt từ khi Người vĩnh biệt chúng ta năm 1969 cho đến năm 1975, trước khi đón Người về Lăng ở Quảng trường Ba Đình.