Quốc lộ 27 nối Đắk Lắk - Lâm Đồng xuống cấp nghiêm trọng, tai nạn giao thông rình rập
Quốc lộ 27 nối Đắk Lắk với Lâm Đồng xuống cấp nghiêm trọng suốt nhiều năm, trở thành nỗi lo thường trực của người tham gia giao thông khi lưu thông qua tuyến đường này.

Quốc lộ 27 dài 282km, nối Đắk Lắk, Lâm Đồng và Khánh Hòa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt sau khi các tỉnh Tây Nguyên sáp nhập với duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, tuyến đường này đang xuống cấp trầm trọng.

Vừa tự vá xong lốp sau do bị đá cắt, tài xế N.V.T, lái xe khách 16 chỗ BKS 48C-106.09 chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Đà Lạt bức xúc cho biết: Xe đang di chuyển qua địa bàn xã Đạ Sah thì lốp sau bị thủng. Nhiều tài xế cho rằng nguyên nhân do mặt đường hư hỏng, đá sắc khiến lốp xe liên tục bị cắt nổ.

Cùng cảnh ngộ với tài xế xe khách BKS 48C-106.09, nhiều tài xế lưu thông trên quốc lộ 27, đoạn qua huyện Đam Rông (cũ), tỉnh Lâm Đồng cũng bức xúc và lo ngại khi tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng suốt nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng vẫn chưa được sửa chữa.

Các tài xế cho biết, trước đây, di chuyển từ Buôn Ma Thuột theo QL27 chỉ mất khoảng 4 tiếng, nhưng hiện nay do đường xuống cấp, thời gian kéo dài lên 6-7 tiếng. Chi phí vận hành tăng gấp rưỡi do xe phải chạy số thấp, tiêu tốn thêm 15-20 lít dầu mỗi chuyến, khiến chi phí nhiên liệu đội lên khoảng 500.000 đồng.

Một chủ nhà xe giường nằm chạy tuyến Lâm Đồng - Đắk Lắk cho biết, ngày càng nhiều hành khách bị say xe do mặt đường xấu; xe dễ sạt gầm, lốp thường bị đá sắc cắt, dẫn đến xì lốp. "Đường hỏng nặng, xe giường nằm liên tục hỏng bầu hơi, nổ lốp, khung gầm phải bảo dưỡng thường xuyên", tài xế L.C.C, chuyên chạy tuyến Gia Lai - Đà Lạt cũng chia sẻ.

Sau mỗi trận mưa, nhiều đoạn trên quốc lộ 27 xuất hiện dày đặc “vũng trâu đằm” ngập nước. Tình trạng hư hỏng kéo dài suốt 3-4 năm qua, gây nhiều khó khăn cho giao thông, vận tải và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Theo người dân sống hai bên đường, vào mùa mưa, mặt đường lầy lội, bùn đất văng tung tóe mỗi khi ô tô đi qua. Mùa nắng, bụi và bùn khô bay vào nhà khiến nhiều hộ phải đóng cửa cả ngày để tránh ô nhiễm.

Mặt đường hẹp, nhiều “ổ gà”, “luống khoai” khiến không ít người đi đường bị ngã xe. Phụ huynh lo ngại khi hằng ngày con em phải di chuyển qua đoạn đường lầy lội, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ông Trương Trung Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, hiện có khoảng 21km (qua huyện Đam Rông cũ, từ Km 85+500 - Km106) bị hư hỏng trầm trọng. Nguyên nhân là do những năm gần đây mưa lớn xuất hiện kéo dài, phương tiện quá tải trọng tăng mạnh chạy với tần suất cao và cả việc tu sửa, bảo trì, bảo dưỡng chưa kịp thời.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất UBND tỉnh bố trí trước 10 tỷ đồng để phát quang lề đường, sửa mương thoát nước, vá “ổ gà”. Đồng thời, tỉnh cũng trình Bộ Xây dựng phê duyệt 110 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa triệt để toàn bộ 21km hư hỏng, dự kiến thực hiện từ nay đến hết năm 2026.

Năm nay, ngành Xây dựng sẽ bố trí khoảng 50 tỷ đồng để sửa chữa 10km quốc lộ 27, đoạn từ Km106 - Km116. Dự kiến đầu tháng 8, sẽ lựa chọn xong nhà thầu và triển khai thi công; gói thầu này sẽ hoàn thành vào cuối năm.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Phạm Văn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa qua, đoàn kiểm tra của ngành Xây dựng đã khảo sát thực tế đoạn từ Km86 - Km106. Trước mắt, đoàn công tác chỉ đạo tăng cường đảm bảo an toàn giao thông và giao Ban Quản lý dự án các công trình giao thông lập chủ trương đầu tư, do đoạn đường hư hỏng quá nặng, không thể thực hiện bảo trì thường xuyên như thông lệ.

“Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Lâm Đồng đã cắm biển hạn chế tốc độ, cảnh báo đường xuống cấp và tuyên truyền để người tham gia giao thông nhận biết, chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, hiện nay việc khan hiếm nguồn vật liệu đá, cát khiến công tác chuẩn bị vật liệu phục vụ thi công sửa chữa thường xuyên rơi vào tình trạng bị động”, ông Phạm Văn Thái Bình cho biết.

Quốc lộ 27 nối Đắk Lắk - Lâm Đồng là tuyến giao thông huyết mạch, việc nâng cấp tuyến đường này không chỉ tháo gỡ nút thắt phát triển cho các địa phương mà còn đảm bảo an toàn cho người dân, kết nối trục giao thông Đông - Tây và vùng Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.
Video QL27 xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông