Quốc lộ biến nhà dân thành… hầm: Người dân ngăn thi công, đòi quyền lợi
Chiều 5-4, nhiều người dân ở thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) sống ven dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 phản đối việc đơn vị thi công tiếp tục đổ đất nâng nền đường.
Qua tìm hiểu, nhiều bà con bức xúc vì trước đây, khoảng cuối năm 2022 đầu 2023, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đã đổ đất nền quá cao biến nhiều nhà dân thành…hầm. Có vị trí nền đường cao từ 2 - 3m, “nhấn chìm” nhiều nhà dân, ảnh hưởng đến đời sống vì bụi bặm, ô nhiễm, đi lại khó khăn...
Sau đó, người dân yêu cầu dự án làm đường gom dân sinh và hỗ trợ kinh phí để các hộ dân ảnh hưởng được nâng nền nhà cao phù hợp với nền đường. Tuy nhiên nhiều tháng qua, nguyện vọng này vẫn chưa được đáp ứng.
“Suốt cả năm qua, chúng tôi sống khổ sở ven dự án, hứng chịu bụi bặm, ô nhiễm, mất an toàn. Nay nhà thầu thi công lại đem máy móc đổ đất, nâng nền cao hơn...”, một hộ dân bức xúc nói.
Chiều cùng ngày (5-4), ông Ngô Luân, Chủ tịch UBND xã Tây Giang thông tin, do chiều nay đơn vị thi công tiếp tục đổ đất nâng 1 số vị trí nền đường lên nên người dân phản đối việc nâng nền tiếp.
“Có hơn 10 hộ bức xúc ra phản đối. Trước đó, dự án nâng nền quá cao so với nhà dân, quyền lợi của họ chưa giải quyết xong lại tiếp tục đổ đất nâng nền thì bà con bức xúc”, ông Luân nói và cho biết thêm, bất cập trên diễn ra nhiều tháng qua, vượt thẩm quyền xã nên địa phương rất lúng túng.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn đã đến hiện trường để vận động, giải thích cho người dân nắm bắt tình hình. Theo ông Khánh, không phải nhà thầu thi công tiếp tục đổ đất nâng nền mà làm động tác kỹ thuật để cân bằng nền đường trước khi thảm nhựa.
“Do dự án dang dở phát sinh bụi bặm nên bà con ý kiến. Nhà thầu thi công cam kết sẽ thảm nhựa. Việc đổ đất nhằm cân bằng nền đường trước khi thảm nhựa, chứ không phải tiếp tục nâng nền. Bà con đòi phải đánh giá lại hạ nền hoặc hỗ trợ chi phí nâng nền nhà mới đồng ý cho thực hiện dự án”, ông Khánh nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nêu khó khăn thêm, dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới. Yêu cầu hỗ trợ chi phí nâng nền của người dân dù chính đáng nhưng chính sách dự án không có, địa phương vẫn đang tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Thế giới để được chấp thuận.
Bộ GTVT không chấp thuận hạ nền đường
Cũng theo ông Khánh, trước đây khi phát sinh bất cập dự án nâng nền quá cao so với nhà dân thì địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, Bộ GTVT để xin ý kiến. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm không đồng ý hạ cốt nền mà đầu tư đường gom dân sinh để người dân đi lại.
Song, phía người dân yêu cầu bên cạnh đường dân sinh cần hỗ trợ thêm kinh phí để dân nâng nền nhà nên tiếp tục vướng.
“Đúng ra nếu không cho hạ nền, phía Bộ cần thành lập đoàn để cùng địa phương tháo gỡ, đánh giá lại thực tế tình hình để tạo đồng thuận cho người dân”, ông Khánh nêu.