Quốc tế chung sức xây dựng Biển Đông thịnh vượng bền vững
Vấn đề Biển Đông thời gian gần đây ngày càng được cộng đồng quốc tế coi trọng. Các quốc gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất ý chí và nỗ lực chung để đảm bảo Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Quốc tế coi trọng vấn đề Biển Đông
Vừa qua, tại trụ sở Thượng viện Pháp ở Thủ đô Paris đã diễn ra Hội thảo “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu địa chính trị ứng dụng (EGA) chủ trì tổ chức với sự tham dự của nhiều Thượng nghị sĩ, chuyên viên Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, chiến lược quân sự, chính sách quốc phòng và nghiên cứu sinh.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch EGA Alexandre Negrus bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông luôn tiềm ẩn những nguy cơ, thôi thúc cộng đồng quốc tế phải có những biện pháp, hành động nhằm bảo đảm Biển Đông rộng mở, ổn định và thịnh vượng. Ông Negrus chỉ ra rằng, hiện nay, trên Biển Đông có những tranh chấp, căng thẳng, đây là vấn đề phức tạp. Pháp và nhiều quốc gia cùng nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của khu vực và những nguy cơ, thách thức đang đặt ra.
Đáng chú ý tại hội thảo là tham luận của 14 diễn giả là các học giả, giáo sư, luật sư, nhà báo tại Pháp và châu Âu hướng tới mục tiêu cung cấp thêm các thông tin về luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nhằm giảm bớt nguy cơ căng thẳng. Trong đó, trọng tâm xoay quanh 4 khía cạnh chính, gồm: Không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới ánh sáng của UNCLOS 1982; Biển Đông - Tâm điểm vấn đề an ninh; Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Biến đổi khí hậu cũng là một nhân tố khủng hoảng; Một sân khấu chính trị khu vực đa dạng và vai trò của Pháp.
Các phần tham luận đã mang đến những thông tin cập nhật, khách quan, cảnh báo dư luận quốc tế về những diễn biến tiêu cực tiềm ẩn trên Biển Đông. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, sự cần thiết phải tôn trọng và thực thi UNCLOS 1982, cam kết của các nước trong khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002.
Đặc biệt, các ý kiến đóng góp tại hội thảo kêu gọi Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế phát huy vai trò vào việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng UNCLOS 1982 và mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đối với khu vực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng diễn ra tại Nhật Bản mới đây, vấn đề Biển Đông cũng được nhấn mạnh trong các khuôn khổ thảo luận. Các quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị cùng nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, như việc thực hiện nghiêm túc DOC và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Cùng với đó, các lãnh đạo G7 nêu bật tầm quan trọng của luật pháp và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây là hai điểm gắn liền với mục tiêu xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Nêu cao vai trò trung tâm ASEAN
Tại Tham vấn Quan chức cao cấp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc (ACSOC) thường niên lần thứ 29 diễn ra tại Trung Quốc vừa qua, các bên đã hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc trong năm đầu triển khai.
Tại buổi tham vấn, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung khẳng định, Trung Quốc luôn coi trọng ASEAN là trọng tâm ưu tiên cao trong chính sách ngoại giao láng giềng của mình. Đồng thời ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, vươn lên dẫn dắt các tiến trình hợp tác trong khu vực.
ASEAN và Trung Quốc nhất trí cần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tận dụng hiệu quả cơ hội từ mở cửa hoàn toàn sau đại dịch, ưu tiên đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác tài chính, tiền tệ. Hai bên cam kết sẽ phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trong khu vực và trên thế giới, các nước nhất trí cần tăng cường phối hợp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và trong khu vực. Các nước kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và đẩy mạnh nỗ lực nhằm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Tại cuộc họp, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ triển khai toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, từ đó, thiết lập mối quan hệ thực chất, hiệu quả và cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực. ASEAN và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ, mật thiết, cùng chia sẻ nhu cầu, lợi ích trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định để cùng phát triển. Từ đó, hai bên cần kiên trì cách tiếp cận toàn diện với an ninh khu vực trên tinh thần trách nhiệm, dựa vào đối thoại và hợp tác.
Đại sứ Vũ Hồ tái khẳng định lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các bên đối với hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật, kiềm chế, tránh các hành động đi ngược lại tinh thần DOC, trái với luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS 1982, gây xói mòn lòng tin, tác động bất lợi với ổn định, ảnh hưởng tới hợp tác. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tái nhấn mạnh cam kết phối hợp với Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC, cùng phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, qua đó đóng góp cho việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Mặt khác, Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh, đối thoại và chủ nghĩa đa phương vẫn là những công cụ chính trong giải quyết mâu thuẫn, bất đồng về các nội dung liên quan tới tình hình khu vực và quốc tế.