Quốc tế quan ngại tình trạng 'báo động đỏ' tại Jerusalem
Đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel lại nổ ra tại khu đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 10/5 khiến hàng chục người bị thương. Đáng báo động, tình trạng bạo lực ở khu vực này liên tục tiếp diễn trong nhiều tuần qua, đẩy khủng hoảng trong quan hệ Israel-Palestine tăng cao. Thế giới không thể lặng im trước những diễn biến leo thang nguy hiểm này.
Căng thẳng đã gia tăng ở Jerusalem trong những tuần gần đây sau khi Israel áp đặt những hạn chế đối với tín đồ Hồi giáo Palestine trong tháng lễ Ramadan, đồng thời dự định trục xuất một số người Palestine tại Đông Jerusalem. Người dân Palestine đã xuống đường phản đối việc cảnh sát Isarel ngăn chặn họ vào Thành cổ (Old City), coi đây hành vi hạn chế quyền tự do hội họp, trong khi phía cảnh sát Irsael nói các biện pháp là nhằm duy trì trật tự.
Đỉnh điểm, tối 7/5, các vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel và những người Palestine đã xảy ra gần khu đền thờ Al-Aqsa thuộc quần thể Haram al-Sharif, nơi hàng chục nghìn tín đồ đổ xô đến đây vào ngày thứ Sáu cuối cùng của mùa lễ Ramadan. Người Hồi giáo coi nơi này là địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới, trong khi khu thánh địa cũng có giá trị lịch sử với cả người Do Thái do nằm trên khu vực được gọi là Núi Đền. Ít nhất 169 người đã bị thương sau vụ việc.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết đã phải dựng bệnh viện dã chiến ở gần khu vực xảy ra xung đột vì hầu hết các phòng cấp cứu đều đã quá tải. Trên thực tế, theo Reuters, nguyên nhân của các cuộc đụng độ bắt nguồn từ đầu năm nay, khi tòa án vùng Jerusalem ra phán quyết ủng hộ những người định cư Do Thái, những người đã đòi khu đất ở Sheikh Jarrah mà hiện đang là nhà của nhiều gia đình Palestine.
Phía Palestine cho rằng luật pháp phân biệt đối xử khiến họ không thể đòi lại tài sản của mình. Đáng chú ý, ngày 10/5, đụng độ vẫn tiếp tục diễn ra. AP mô tả, hàng trăm người Palestine đã ném các vật thể vào lực lượng an ninh Israel và lực lượng này đã đáp trả bằng lựu đạn gây choáng, hơi cay và đạn cao su. Động thái đụng độ dữ dội được coi là nấc thang nguy hiểm mới trong mối quan hệ vốn tồn tại nhiều hiềm khích giữa Israel và Palestine.
Lo ngại trước diễn biến tiêu cực tại khu vực Jerusalem, ngày 9/5 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Israel "kiềm chế tối đa và tôn trọng quyền tự do hội họp một cách hòa bình". Trong một tuyên bố, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết ông Guterres đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình bạo lực hiện nay ở Đông Jerusalem, cũng như khả năng các gia đình Palestine bị buộc phải rời khỏi Sheikh Jarrah - khu vực phần lớn người Palestine sinh sống ở Đông Jerusalem.
Người đứng đầu Liên hợp quốc hối thúc Israel dừng kế hoạch trên, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và tôn trọng nguyên trạng các khu vực linh thiêng tại Đông Jerusalem. Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong ngày 10/5 sẽ thảo luận kín về tình hình căng thẳng ở Đông Jerusalem. Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo, trong cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra ở Jerusalem trong những ngày gần đây. Ông Sullivan cũng nhấn mạnh Mỹ đặc biệt lo ngại việc các gia đình người Palestine có khả năng bị trục xuất ra khỏi khu vực Sheikh Jarrah.
Trước đó, hôm 8/5, nhóm Bộ Tứ Trung Đông - gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc - đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các vụ đụng độ xảy ra hàng ngày và tình trạng bạo lực ở Đông Jerusalem, đặc biệt là các cuộc đối đầu giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel tại Haram Al-Sharif/Núi Đền.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Đặc phái viên nhóm Bộ Tứ quan ngại nghiêm trọng về khả năng các gia đình Palestine bị trục xuất ra khỏi những ngôi nhà mà họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ… và lên tiếng phản đối các hành động đơn phương, vốn sẽ chỉ khiến bầu không khí căng thẳng leo thang. Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Israel kiềm chế và tránh triển khai những biện pháp có thể khiến tình hình leo thang hơn nữa trong những ngày lễ của người Hồi giáo".
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng nhắc lại cam kết của nhóm Bộ Tứ đối với "giải pháp 2 nhà nước được thương lượng". Một loạt quốc gia như Arab Saudi, UAE, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Malaysia cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ việc, lên án hành vi trục xuất người Palestine khỏi Sheikh Jarrah của chính quyền Israel, đồng thời kêu gọi giảm căng thẳng. Những động thái này cho thấy, cộng đồng quốc tế đang vô cùng lo ngại căng thẳng leo thang có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng và có nguy cơ làm xói mòn khả năng đạt được nền hòa bình toàn diện trong khu vực.
Trước những chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế, Bộ Tư pháp Israel mới đây thông báo sẽ hoãn phiên xử quan trọng về việc người Palestine bị trục xuất khỏi nhà của họ ở Jerusalem để lấy chỗ cho những người định cư Do Thái. Tuy nhiên, The Guardian cho rằng, việc hoãn phiên xét xử sẽ là không đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.