Quốc tế tiếp tục phản ứng về vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo lâm thời Mali
Phó Tổng thống lâm thời Mali, Đại tá Assimi Goita cho biết ông đã phế truất Tổng thống và Thủ tướng vì họ vi phạm hiến chương chuyển tiếp do không tham khảo ý kiến ông khi đề cử chính phủ mới.
Ngày 25/5, nhiều nước tiếp tục đưa ra phản ứng sau khi một số binh sỹ Mali bắt giữ các nhà lãnh đạo nước này và đưa đến một doanh trại quân đội ở ngoại ô thủ đô Bamako.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi của Anh, ông James Duddridge đã chỉ trích vụ giam giữ các thành viên trong Chính phủ lâm thời Mali, bao gồm tổng thống và thủ tướng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho những quan chức này ngay lập tức.
Trong một tuyên bố, ông James Duddridge nhấn mạnh: "Vương quốc Anh ủng hộ tiến trình chuyển giao quyền lực hợp hiến ở Mali. Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc về các sự kiện gần đây có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực khôi phục tiến trình này trong khuôn khổ thời gian đã thỏa thuận."
Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng lên án việc phế truất và giam giữ Tổng thống lâm thời của Mali, ông Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane, đồng thời nhấn mạnh quá trình chuyển giao quyền lực hướng tới một chính quyền dân sự cần phải được bảo đảm.
Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian cũng kêu gọi các binh sỹ trả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ, đồng thời lập tức nối lại tiến trình chuyển giao quyền lực.
Quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane vào tối 24/5.
Một ngày sau đó, Phó Tổng thống lâm thời Mali, Đại tá Assimi Goita cho biết ông đã phế truất Tổng thống và Thủ tướng vì họ vi phạm hiến chương chuyển tiếp do không tham khảo ý kiến ông khi đề cử chính phủ mới.
Vụ bắt giữ Tổng thống và Thủ tướng xảy ra sau khi Chính phủ lâm thời của Mali công bố điều chỉnh nhân sự nội các, trong đó thay thế Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh và bảo vệ dân sự.
Hai vị trí này trước đó lần lượt do Đại tá Sadio Camara và Đại tá Modibo Kone đảm nhiệm. Đây là hai nhân vật đầu não trong vụ binh biến hồi tháng 8/2020.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 25/5, Liên minh Công nhân Quốc gia (UNTM) thông báo đình chỉ cuộc đình công, vốn được phát động một ngày trước, để không làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này.
Đây là cuộc đình công thứ hai diễn ra trong tháng này. Trước đó ngày 17/5, UNTM đã phát động cuộc đình công kéo dài 4 ngày để đưa ra yêu sách về tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp.
Ông Ousmane Traoré, Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế của UNTM cho biết: “Phong trào đã tạm dừng. Công đoàn trung ương không muốn khiến người dân thêm đau khổ do cuộc khủng hoảng chính trị mới gây ra."
Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến tổ chức cuộc họp kín về vấn đề Mali vào tối 26/5.
Phiên họp này do các nước Pháp, Niger, Tunisia, Kenya và Saint Vincent – Grenadines đề xuất và do Trung Quốc, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 5 chủ trì tổ chức. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng có một tuyên bố chung được thông qua tại cuộc họp khẩn này.
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết nước này yêu cầu về một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau cuộc binh biến tại Mali, nhưng không nói rõ thời điểm tổ chức./.