Quốc thể - sự kết tinh và đỉnh cao phát triển của văn hóa Việt Nam - nhìn từ sứ mệnh mỗi một con người
L.T.S:Theo kế hoạch, trong tháng 11, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Hội nghị có nhiều nội dung quan trọng, trong đó đánh giá toàn diện kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Trước hội nghị đặc biệt quan trọng này, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) trân trọng giới thiệu loạt bài viết của tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản với kỳ vọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi quốc gia, dân tộc với tư cách là một quốc gia hay quốc gia dân tộc, trong thế giới ngày nay, đều mang thể diện của riêng mình. Ấy là quốc thể hay thể diện quốc gia.
Một nước, khi đã thành lập, khi đã có tổ chức, được coi như một thực thể chính trị có đủ tư cách, đứng độc lập, có quyền thống trị trong giang sơn, cai quản trong cương vực quốc gia. Đối với nội trị, nghĩa là đối với người trong nước, thì quyền thống trị là quyền sống của nước đứng trên quyền sống của mọi người trong nước. Về đối ngoại, nghĩa là đối với các nước khác, thì nước ấy có quyền sống, quyền độc lập và tự chủ và được các quốc gia, dân tộc khác tôn trọng, công nhận và thiết lập mối bang giao quốc tế. Chính vì lẽ ấy, mà mỗi nước mang một quốc thể. Đó chính là chính trị.
Theo đó, dù quyền thống trị thu cả vào trong tay một người, nghĩa là một nước quân chủ hay quyền ấy ở trong tay một giai cấp ít người, đó là một nước theo chính thể quyền quý hoặc khi quyền thống trị ở trong tay cả toàn thể dân chúng, tức là một nước dân chủ... thì mỗi nước đều có quốc thể của riêng mình. Không có quốc thể hay không xứng quốc thể thì quốc gia đó vị thế không cao, uy thế rất thấp, kém hay không giữ vai trò gì trên trường quốc tế; dĩ nhiên thường không được các quốc gia, dân tộc khác tôn trọng và khó khăn trong bang giao quốc tế. Đó chính lại là những vấn đề của văn hóa chính trị.
Việt Nam không nằm ngoài tính quy luật ấy!
I - Quốc thể Việt Nam và văn hóa
Quốc thể là danh dự, uy tín của quốc gia trên mọi phương diện, nhất là trong quan hệ với các nước khác. Bất kể ai, hễ là người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, nhất là những người đại diện của một quốc gia không được phép làm một điều gì đó có thể làm mất thể diện, danh dự hay làm phương hại uy tín của quốc gia. Mọi hành vi gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho một quốc gia do công dân của một nước thực hiện như làm gián điệp cho nước ngoài, kêu gọi dùng vũ lực lật đổ chính quyền hợp hiến ở nước mình đều bị xem là phản bội Tổ quốc và bị trừng trị nghiêm khắc.
Đó là chính trị, là văn hóa. Và đó cũng chính là mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, xét tới cùng là mối quan hệ giữa công dân với quốc gia, dưới góc nhìn văn hóa. Nhìn sâu hơn, đó không chỉ đòi hỏi một triết lý chính trị, một triết lý xã hội mà còn là triết lý nhân sinh, triết lý về con người.
Về phương diện chính trị, quốc thể là chế độ nhà nước của chúng ta, được quy định ngay trong Hiến pháp. Theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bộ máy cơ quan nhà nước Việt Nam ở cấp Trung ương bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong Chính phủ có các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ, bộ máy nhà nước ở địa phương được tổ chức 3 cấp: tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường), bao gồm UBND, HĐND và các cơ quan chuyên môn của các cơ quan này.
Trên phương diện xã hội, đó là phẩm giá, uy tín và danh dự cá nhân trong tất cả cộng đồng người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài; sống và hành xử, vì danh dự, uy tín Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Trên bình diện quốc tế, không chỉ được các nước công nhận là quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà vinh dự là thành viên chủ động, tích cực, có uy tín trong các tổ chức quốc tế; đặt mối bang giao bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng và phát triển một thế giới hòa bình, văn minh và tiến bộ xã hội.
Tối thiểu toàn bộ điều đó hợp thành và làm nên quốc thể Việt Nam.
Nhìn tổng thể, vị thế, hình ảnh, sức mạnh, danh dự, uy tín và ảnh hưởng của quốc gia một cách toàn vẹn, đa diện và thống nhất, thể hiện ở từng công dân ngay từ bên trong và trên tất cả mối bang giao giữa nước ta với các nước khác, đó chính là chính trị, cũng chính là văn hóa. Tất cả làm nên quốc thể Việt Nam từ trong nước và trên trường quốc tế.
Không có tất cả điều đó không có gương mặt và tư chất quốc thể Việt Nam.
Nhưng, không có quốc thể chung chung, càng không có văn hóa trừu tượng. Cả hai, xét cho đến cùng, chúng đồng thời biểu hiện ở mỗi một con người và sự tự biểu hiện của chính mỗi một con người - tế bào làm nên văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc. Tổng hòa lại, tất cả làm nên gương mặt và tư chất quốc thể, làm nên gương mặt và tư chất văn hóa Việt Nam.
Do đó, một cách tự nhiên, quốc thể và thể diện cá nhân, có thể nói vừa là sự sở hữu của cộng đồng, của quốc gia vừa là tài sản của cá nhân. Một mặt, quốc thể là hình ảnh, vị thế, danh dự và uy tín của quốc gia cao nhất thể hiện ở chỗ đứng, tầm vóc và sự ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế; và mặt khác, nó thể hiện ở mỗi cá nhân, thông qua mỗi con người, nhất là những người giữ vị thế đại diện cộng đồng, đại diện quốc gia. Đồng thời, thể diện cá nhân vừa bao hàm hình ảnh xã hội của cá nhân thể hiện những đặc điểm phẩm chất và vai trò xã hội mà cá nhân đảm trách được người khác thẩm nhận lại vừa bao gồm những đặc tính của cộng đồng, phẩm chất của quốc gia mà cá nhân đó sở hữu và thể hiện, thậm chí đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của thể diện cá nhân được cộng đồng, dư luận xã hội, quốc tế công nhận và qua đó khẳng định giá trị cộng đồng, phẩm giá của quốc gia, thông qua thể diện của mỗi cá nhân, nhất là các yếu nhân.
Đó là sự thống nhất giữa cái tôi cá nhân và cái tôi cộng đồng; giữa cái riêng thể diện cá nhân với cái chung thể diện quốc gia, dân tộc. Tương ứng với cái tôi hài hòa giữa hai mặt nội tại và quan hệ cá nhân và xã hội, thể diện cá nhân luôn được hiểu như là sự thống nhất giữa hai mặt xã hội và cá nhân. Vì thế, thể diện cá nhân, ở góc độ này, còn bao gồm vai trò xã hội của một cá nhân và những đặc điểm do vai trò đó quy định. Hơn nữa, nói cách khác, một người thì khó có thể mất thể diện với chính mình mà thường là mất thể diện với người khác, với cộng đồng khác, quốc gia, dân tộc khác. Thể diện cá nhân không thể tự thân tồn tại độc lập mà chỉ được duy trì và phát triển với sự thừa nhận của dư luận, của cộng đồng…
Dù thể diện cá nhân về cơ bản được tạo lập bởi những yếu tố khá bền vững và cả thiên tư như phẩm chất, khả năng, vai trò xã hội của cá nhân và đặc tính của cộng đồng, của quốc gia mà cá nhân thể hiện và gắn bó. Nhưng sự tồn tại của thể diện cá nhân lại phụ thuộc vào sự thừa nhận hay không, thậm chí phản đối của người khác, của cộng đồng, của quốc gia khác và độc lập với chủ thể, cho nên thể diện cá nhân phải luôn vận động và thích ứng.
Vì thế, thể diện cá nhân càng là yếu tố khả biến và phải biến đổi rất nhanh để thích ứng với dư luận, với thời cuộc và xu hướng phát triển của các quốc gia, dân tộc khác so với sự vận động chậm hơn của phẩm giá cộng đồng, phẩm giá quốc gia - một nhân tố chủ thể làm nền tảng giá trị của quốc thể, dưới góc nhìn văn hóa. Thể diện cá nhân là cái đi tiên phong, trước hết và trực tiếp trong việc góp phần khẳng định, làm phong phú và sinh động quốc thể; thậm chí nó có thể hy sinh vì quốc thể hoặc có thể làm phương hại quốc thể. Và, đến lượt quốc thể, nó là nền tảng bảo đảm, nâng tầm và tôn vinh thể diện cá nhân, hoặc ngược lại.
Đó chính là gương mặt và tư chất làm nên văn hóa Việt Nam bao gồm văn hóa dựng nước và văn hóa giữ nước; và ở tầng sâu hơn, đa dạng và cụ thể, là văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa xã hội làm nên quốc thể vậy! (còn nữa)
TS. Nhị Lê
Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản