Quốc vương Oman có chuyến thăm 'lịch sử' đến Iran: Thêm tín hiệu về hòa giải tại Trung Đông
Quốc vương Haitham bin Tarik của Oman đã đến Tehran vào Chủ nhật (ngày 28/5) để bắt đầu chuyến thăm hai ngày, theo AFP.
Chuyến đi của ông diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tehran trả tự do cho nhân viên cứu trợ người Bỉ Olivier Vandecasteele sau gần 15 tháng bị giam giữ để đổi lấy nhà ngoại giao Assadollah Assadi, người bị giữ tại Bỉ. Và Oman, quốc gia lâu nay đã hỗ trợ quá trình hòa giải giữa Iran và phương Tây, cũng đã có vai trò tích cực trong thỏa thuận trao đổi người bị giam giữ này.
Tại Iran, Quốc vương Haitham bin Tarik đã gặp Tổng thống Ebrahim Raisi, người cho biết quan hệ song phương có thể cải thiện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghiệp và "các vấn đề quốc phòng và an ninh", trang web của tổng thống Iran cho biết.
Các vấn đề như mối quan hệ căng thẳng của Tehran với Ai Cập và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Haitham, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
"Tehran và Muscat có quan điểm chung về hợp tác khu vực, củng cố và ổn định an ninh, hòa bình và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực", trang thông tin của tổng thống Iran dẫn lời ông Raisi.
Theo truyền hình nhà nước Iran, hai nước ký ít nhất 4 thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và năng lượng. Hãng thông tấn chính thức của Oman cũng đưa tin rằng các biên bản ghi nhớ và thỏa thuận về thúc đẩy đầu tư đã được ký kết.
Theo sau loạt tín hiệu tích cực về Iran
Chuyến thăm của nhà vua Oman diễn ra một năm sau khi ông Raisi đến thăm Muscat và theo sau một thỏa thuận nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng Ba năm nay.
Trước chuyến đi của quốc vương Oman, tờ báo Asharq al-Awsat dẫn lời Ngoại trưởng Oman Sayyid Badr Hamad Al Busaidi nói rằng Oman lạc quan rằng chuyến thăm "lịch sử" lần này sẽ "có lợi cho khu vực và toàn cầu".
Oman có quan hệ chặt chẽ với Iran và từng đóng vai trò trung gian giữa Tehran và Mỹ trong quá trình xây dựng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới năm 2015.
Theo AFP, Oman được cho là đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Iran trước khi đi đến ký kết Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 - thỏa thuận giúp Iran giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy việc kiềm chế chương trình hạt nhân.
JCPOA đã sụp đổ vào năm 2018 sau khi Washington đơn phương rút khỏi JCPOA và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt với Iran. Tehran sau đó đã đáp trả bằng cách đình chỉ việc thực hiện các cam kết hạn chế hoạt động hạt nhân của chính mình. Hiện tại, quá trình đàm phán lại thỏa thuận này đang chìm sâu vào bế tắc.
Chuyến thăm cuối cùng của một quốc vương Oman tới Iran là vào năm 2013 khi Qaboos bin Said Al Said đến thăm Tehran dưới thời tổng thống Hassan Rouhani.
Mục tiêu hòa giải thêm sự căng thẳng của khu vực
Trước khi đến Iran, Quốc vương Oman đã đến thăm Ai Cập. Nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc Oman có khả năng làm trung gian hòa giải giữa Tehran và Cairo với mục đích hàn gắn quan hệ ngoại giao giữa họ.
Theo trang Tehran Times, Iran và Ai Cập đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật ở Baghdad và họ dự kiến sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán này.
Liên quan đến tiến trình đối thoại hạt nhân Iran – Mỹ, Oman cũng là trung tâm của các cuộc đàm phán đang diễn ra về tài sản bị đóng băng của Iran ở Iraq. Tuần trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã điện đàm với người đồng cấp Oman và Iraq. Bộ Ngoại giao Iraq cho biết trong một tuyên bố rằng ông Amir Abdollahian cảm ơn chính phủ Iraq đã tìm ra giải pháp cho việc chuyển tiền với người Mỹ.
Theo Tehran Times, những điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy Oman đang có kết nối với cả Iran và Mỹ. Và mục tiêu có thể là nối lại hòa giải giữa hai bên vào thời điểm mà sự khác biệt về chương trình hạt nhân của Iran ngày càng rõ rệt. Đại sứ Iran tại Oman Ali Najafi không loại trừ khả năng Quốc vương Haitham đang chuyển một thông điệp từ Mỹ tới Iran.
Bên cạnh những diễn biến liên quan đến JCPOA, chuyến thăm của Quốc vương Haitham còn có ý nghĩa quan trọng về các vấn đề song phương và khu vực.
Theo Tehran Times, Oman đã tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Riyadh và Tehran hồi tháng 3 vừa qua. Mặc dù Iran và Saudi Arabia dường như đã nối lại quan hệ, vai trò trung gian của Oman trong vấn đề này vẫn chưa kết thúc. Thỏa thuận này cần được theo dõi cẩn thận và quan tâm đặc biệt, do đó Oman vẫn giữ một vai trò quan trọng.