Quỹ bình ổn xăng dầu: Tiền của người dân 'góp' vào nhưng không được giám sát
Theo Hội bảo vệ người tiêu dùng, bản chất Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người tiêu dùng góp vào. Tuy nhiên, hiện nay không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả Quỹ này.
Giữ nguyên thời hạn điều chỉnh xăng dầu 7 ngày/lần
Mới đây, một số thương nhân kinh doanh xăng dầu đã đề xuất quay trở về chu kỳ điều chỉnh xăng dầu 15 ngày/lần để đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia phản đối đề xuất này.
Trong Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu” diễn ra vào ngày 14/5, ông Đỗ Huy Trung, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng không nên tăng thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
“Hiện nay, về thời gian Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, dự thảo Nghị định cũng dự kiến thời gian công bố giá thế giới bình quân giữ như hiện hành là 7 ngày/lần. Việc giữ nguyên thời gian điều chỉnh giá xăng là cần thiết”, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết.
Vị này phân tích, càng rút ngắn thời gian công bố giá xăng dầu thế giới bình quân thì càng bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch giá thực chất của xăng dầu. Hiện nay, một số quốc gia, đơn cử như Ấn Độ còn điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày.
“Nếu rút ngắn thời gian công bố sẽ khắc phục cơ bản tình trạng khi giá xăng dầu đã hạ thì cá nhân, tổ chức sử dụng xăng dầu làm dịch vụ, sản phẩm… cũng phải hạ theo kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thiết thực nhất. Ví dụ như trường hợp khi giá xăng dầu đã hạ nhưng nhiều hãng taxi vẫn vin vào cớ chưa hạ kịp để tăng giá cước vận chuyển”, ông Trung cho biết.
Vì vậy, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị cân nhắc trong Dự thảo quy định về thời gian công bố giá thế giới bình quân giữ như hiện hành là 7 ngày/lần.
Vì mốc thời gian này đã áp dụng lâu nay, cần có sự thay đổi theo hướng rút ngắn thời gian công bố xuống cho phù hợp với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý.
Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Cũng theo ý kiến của Hội bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay, có ý kiến của một số cơ quan, tổ chức cho rằng về việc bình ổn giá xăng dầu hiện nay là liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.
Trong Dự thảo Nghị định đã tiếp thu ý kiến trên, quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn gi. Ví dụ, trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức 120 USD/thùng trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Luật Giá.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để người tiêu dùng không bị chịu thiệt thòi như hiện nay. Bản chất Quỹ là tiền của người tiêu dùng góp vào.
“Người tiêu dùng không tiếp cận và xử lý được thông tin về việc lập và sử dụng Quỹ mặc dù có quy định cho tất cả các doanh nghiệp phải công khai nhưng không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả Quỹ này”, đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết.
Cũng theo đơn vị này, Cơ quan điều hành của Nhà nước quyết định sử dụng Quỹ. Việc lập Quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.