Quỳ!

Sau khi giành chiến thắng nghẹt thở trước đối thủ trong trận chung kết Giải võ thuật tổng hợp (MMA) chuyên nghiệp lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào đêm 27-11 vừa qua, võ sĩ Trần Quang Lộc đã quỳ gối dâng đai vô địch kính tặng thầy-võ sư Johnny Trí Nguyễn.

Hành động của anh được giới võ sĩ và người hâm mộ ca ngợi, trở thành hình ảnh truyền cảm hứng trên các diễn đàn võ thuật. Trong thời khắc cảm xúc của niềm vui chiến thắng bùng nổ, nhà vô địch quốc gia MMA hạng cân 70kg đã dành tình cảm trân quý, tốt đẹp nhất để tri ân thầy, người đã huấn luyện, tiếp lửa, dẫn dắt anh vươn tới đỉnh cao!

Quang Lộc và Kamil cống hiến một trận đấu đôi công mãn nhãn. Ảnh: 24h.com.vn

Quang Lộc và Kamil cống hiến một trận đấu đôi công mãn nhãn. Ảnh: 24h.com.vn

Trên các sàn đấu, không ít võ sĩ sau khi hạ gục đối thủ, thay vì nhảy lên ăn mừng chiến thắng, đã quỳ cảm tạ đối thủ. Cái quỳ gối ấy thể hiện thái độ trân trọng đối thủ, nhờ bạn thua mà tôi chiến thắng!

Quỳ-trong những trường hợp ấy mang vẻ đẹp của tinh thần thượng võ, là hành động fair-play của thể thao, là nét đẹp của văn hóa ứng xử, là thái độ của lòng biết ơn!

Một động tác, một hành vi, một cử chỉ mang tâm ý tốt, đúng lúc, đúng chỗ, đúng tầm... đủ để làm nên một giá trị văn hóa trong một không gian, một hoàn cảnh, một mối quan hệ cụ thể. Và từ nét đẹp đơn lẻ ấy, nó lan tỏa, nhân lên những nét đẹp khác. Môi trường văn hóa trong đời sống xã hội không chỉ là hạ tầng khang trang, cảnh quan sạch đẹp mà nhân tố cốt lõi tạo nên chiều sâu của nó là chính từ những cái đẹp, cái nhân văn trong hành vi ứng xử giữa con người với hoàn cảnh và giữa con người với con người.

Quỳ-một hình ảnh rất quen mắt, một hình thức rất quen thuộc trong văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt!

Bề tôi quỳ trước vua là hành vi của trung!

Con cháu quỳ trước đấng sinh thành, dưỡng dục là hành vi của hiếu!

Trò quỳ trước thầy là hành vi của nghĩa!

Con dân quỳ trước trời đất, phật thánh linh thần... là hành vi của đạo!...

Tựu trung, quỳ để thể hiện lòng trung, hiếu, tri ân, ngưỡng mộ, tín ngưỡng... là hành vi của lễ!

Ở một dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời, lễ là một trong những thành tố cốt lõi của nội hàm gia phong, bản sắc văn hóa. Dù thành tựu văn minh công nghiệp có đưa đời sống xã hội vận động, phát triển đến mức nào thì những nét đẹp, tinh hoa của “Nhân-Lễ- Nghĩa-Trí-Tín” vẫn luôn là những giá trị mang tính nền tảng, động lực của đạo đức, văn hóa xã hội.

Nhưng dưới lăng kính văn hóa, không phải mọi hành động quỳ đều mang tâm ý, thông điệp tốt.

Quỳ để hạ mình nịnh nọt, ton hót, mưu cầu lợi ích cá nhân... là hành vi của kẻ xu nịnh.

Quỳ để luồn cúi tìm cơ hội tiến thân là hành vi của kẻ “lươn chạch”, tráo trở.

Quỳ để luồn lách, xoi mói, tìm khuyết điểm của người khác “báo công” cho mình là hành vi của kẻ tiểu nhân...

Quỳ để cầu xin sự ban ơn, ban phát, bố thí là hành vi của kẻ hèn...

Những thứ ấy là hành vi phản lễ, phi lễ!

Chúng ta đang triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Các hệ giá trị ấy, từ tầm vĩ mô đến cá thể, tế bào xã hội, có mối quan hệ tác động, ràng buộc lẫn nhau, trong đó con người là nhân tố trung tâm. Chấn hưng, phát huy những tinh hoa của hệ giá trị truyền thống, đấu tranh loại bỏ những thứ phi lễ, phản lễ, phản văn hóa, vô văn hóa... là để góp phần củng cố, xây dựng các hệ giá trị từ gốc.

Muốn thế thì phải bắt đầu từ những hành vi, nếp nghĩ, nếp sống rất cụ thể của con người.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quy-712803