Quy chuẩn an toàn trang thiết bị sử dụng tại cơ sở hoạt động môn Lặn biển thể thao

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trang thiết bị sử dụng tại cơ sở hoạt động môn Lặn biển thể thao.

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các yêu cầu an toàn trang thiết bị môn lặn biển thể thao. Quy chuẩn này không áp dụng đối với hoạt động lặn biển cứu hộ, lặn biển thám hiểm và các loại hình lặn biển khác không gắn với hoạt động thể thao.

Quy chuẩn quy định, vùng hoạt động lặn biển được xác định là vùng biển được chính quyền hành chính quy định mà trong đó ít nhất phải xác định được các yếu tố dưới đây: 1) Độ sâu quanh vùng hoạt động; 2) Dòng chảy quanh vùng hoạt động; 3) Các chướng ngại vật quanh vùng hoạt động; 4) Các sai khác của vùng hoạt động; 5) Mật độ tàu thuyền lưu thông trên mặt nước; 6) Việc xả chất thải lên mặt nước; 7) Khoảng cách đến bờ.

Khu vực tiến hành hoạt động lặn biển nằm trong vùng hoạt động lặn và đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Khu vực hoạt động lặn biển phải được cách ly với các hoạt động đường thủy và các hoạt động khác trên biển để đảm bảo an toàn cho người lặn.

- Khu vực lặn biển phải có đầy đủ hệ thống phao tiêu, biển báo được định vị phù hợp với tọa độ trên hải đồ. Phao tiêu, biển báo phải có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát.

- Độ sâu của khu vực lặn biển: Khu vực lặn biển sâu với bình dưỡng khí có độ sâu tối đa không quá 30m. Khu vực lặn biển giải trí với mũ lặn có độ sâu tối đa không quá 10m.

- Có bảng nội quy lặn biển quy định các nội dung chủ yếu về giờ tập luyện, các đối tượng không được tham gia, trang phục khi tham gia, biện pháp đảm bảo an toàn.

- Có sổ theo dõi người lặn biển bao gồm những nội dung chủ yếu: Họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc căn cước công dân, tình trạng sức khỏe của người lặn biển, địa chỉ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết.

- Có các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy, chữa cháy.

- Bố trí trang thiết bị y tế, nhân viên y tế và phương tiện cấp cứu khi xảy ra tai nạn, chấn thương.

- Có thang dẫn lối cho người lặn xuống nước và hỗ trợ người lặn lên khỏi mặt nước.

- Có nhân viên hướng dẫn lặn được đào tạo qua các khóa đào tạo đáp ứng yêu cầu của TCVN 13826 (ISO 13970), TCVN 13831 (ISO 24803), TCVN 13551 (ISO 11121).

Đối với bộ quần áo lặn, bộ quần áo lặn được làm bằng vật liệu cao su hoặc neopren, có khả năng co dãn, bó sát thân hình người lặn. Độ dày của bộ quần áo lặn tối thiểu là 3mm, không bị thủng, rách. Cơ sở lặn biển phải bố trí ít nhất 20 bộ quần áo lặn; cung cấp bộ quần áo lặn có kích cỡ phù hợp với cơ thể người lặn.

Bộ thiết bị cân bằng độ nổi phải bao gồm tối thiểu các phần: phần áo phao gồm các túi khí, có van thông hơi giữa các túi khí để tích và xả không khí bên trong; phần dây đai đeo ngực người lặn, có móc khóa và đai đeo các phụ kiện lặn; phần ống thổi khí kết hợp van xả để điều tiết độ nổi. Bộ thiết bị cân bằng độ nổi phải có kết cấu sao cho áp suất bên trong cân bằng với áp suất bên ngoài khi người lặn ở dưới mặt nước.

Dự thảo cũng quy định: mặt nạ lặn, kính lặn; chân vịt; bình dưỡng khí; các thiết bị hỗ trợ lặn; hệ thống cấp khí; phương tiện phục vụ hoạt động lặn biển.

Điều kiện lưu thông trên thị trường: Đối với sản phẩm sản xuất: thực hiện công bố hợp quy. Đối với sản phẩm nhập khẩu: thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nước Nước

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/quy-chuan-an-toan-trang-thiet-bi-su-dung-tai-co-so-hoat-dong-mon-lan-bien-the-thao-102240712103803154.htm