Quy chuẩn còi ôtô sẽ được áp dụng trong đăng kiểm từ năm 2025

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, còi ôtô sẽ trở thành một trong những hạng mục bắt buộc phải kiểm tra trong quá trình đăng kiểm, theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ôtô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tham gia giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

Việc quy định cụ thể về còi xe nhằm tăng cường an toàn giao thông, đảm bảo hệ thống còi trên các phương tiện vận tải đáp ứng các yêu cầu về âm lượng và độ ổn định. Theo đó, đăng kiểm viên sẽ kiểm tra còi thông qua việc bấm còi và quan sát, lắng nghe âm thanh phát ra. Tiêu chí đánh giá gồm âm thanh phải phát ra liên tục, ổn định về âm lượng và còi phải được lắp đặt đúng vị trí, hoạt động bình thường.

Nếu có nghi ngờ về âm lượng còi phát ra (quá nhỏ hoặc quá lớn), đăng kiểm viên sẽ sử dụng thiết bị đo âm lượng để xác định. Micro của thiết bị đo sẽ được đặt ở khoảng cách 7m từ đầu xe, với chiều cao nằm trong khoảng từ 0,5m đến 1,5m so với mặt đất. Kết quả đo âm lượng phải nằm trong khoảng từ 87 dB(A) đến 112 dB(A), nhằm đảm bảo âm thanh đủ mạnh để cảnh báo nhưng không gây ô nhiễm tiếng ồn.

 Từ 2025 có thể có bộ tiêu chí đăng kiểm mới.

Từ 2025 có thể có bộ tiêu chí đăng kiểm mới.

Ngoài quy định về còi, dự thảo cũng đề cập đến việc kiểm soát độ ồn của động cơ ôtô. Nếu tiếng ồn phát ra từ xe vượt ngưỡng cho phép, đăng kiểm viên sẽ tiến hành đo độ ồn tại vị trí đuôi ống xả theo tiêu chuẩn TCVN 7880. Để đảm bảo sự yên tĩnh trong môi trường giao thông, các giới hạn về độ ồn sau khi hiệu chỉnh được đưa ra dựa trên từng loại phương tiện.

Cụ thể, các loại ôtô con, xe tải nhẹ, ôtô khách hạng nhẹ và các phương tiện có khối lượng toàn bộ dưới 3.500 kg phải đảm bảo độ ồn không vượt quá 103 dB(A). Trong khi đó, các phương tiện hạng nặng với khối lượng trên 3.500 kg và động cơ có công suất dưới 150 kW sẽ được phép phát ra âm thanh không quá 105 dB(A). Đối với các xe có công suất động cơ lớn hơn, mức giới hạn là 107 dB(A). Các phương tiện cơ giới đặc biệt như ôtô cần cẩu sẽ có ngưỡng độ ồn cao nhất là 110 dB(A).

Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này từ năm 2025 không chỉ giúp nâng cao chất lượng đăng kiểm mà còn góp phần cải thiện an toàn giao thông, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do phương tiện gây ra.

Đồng thời, đây cũng là biện pháp để đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông phải có còi và hệ thống phát âm thanh đạt tiêu chuẩn, giúp người lái xe sử dụng còi đúng mục đích, tránh việc lạm dụng hoặc sử dụng còi quá mạnh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Đức Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-chuan-coi-oto-se-duoc-ap-dung-trong-dang-kiem-tu-nam-2025-post312428.html