Quy chuẩn mới về quy hoạch, kiến trúc tại trung tâm Hà Nội: Không quảng cáo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 975/QĐ-UBND kèm Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Hà Nội xác định khu vực hạn chế phát triển tại quận Ba Đình có phạm vi ranh giới là phần còn lại của khu vực nội đô lịch sử thuộc quận Ba Đình. Phía Đông giáp Khu trung tâm chính trị Ba Đình; phía Nam giáp khu vực hạn chế phát triển quận Đống Đa, phía Tây giáp đường Bưởi, phía Bắc giáp đường Hoàng Hoa Thám.
Tại quận Đống Đa, khu vực hạn chế phát triển có phạm vi ranh giới: phía Đông giáp đường Lê Duẩn, Giải Phóng; phía Nam giáp đường Trường Chinh, Láng, Bưởi, phía Bắc giáp khu vực hạn chế phát triển quận Ba Đình và khu phố cũ quận Ba Đình,
Khu vực hạn chế phát triển ở quận Hai Bà Trưng: phía Đông giáp đường Nguyễn Khoái, phía Bắc giáp khu vực nội đô đã mở rộng quận Hoàng Mai, phía Tây giáp đường Giải Phóng, Lê Duẩn, phía Bắc giáp khu vực phố cũ quận Hai Bà Trưng.
Theo quy định, các trường mầm non được xây dựng tối đa 4 tầng (tầng 4 chỉ phục vụ cho các công trình phụ trợ, không bố trí phòng học).
Các công trình trường tiểu học, THCS, THPT xây không quá 5 tầng (tầng 5 chỉ phục vụ cho các công trình phụ trợ, không bố trí phòng học; Không bố trí các phòng học cho học sinh lớp 1 ở tầng 4. Các phòng học của học sinh chỉ được phép bố trí từ tầng 4 trở xuống).
Không bố trí gara ô tô dưới tầng hầm khối nhà học. Đảm bảo các quy định an toàn vệ sinh môi trường, PCCC theo quy định được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận.
Cho phép kết hợp bố trí trường mầm non tại tầng 1 và tầng 2 các chung cư nhưng phải đảm bảo diện tích sân chơi, lối đi riêng phục vụ học sinh và các quy định về an toàn vệ sinh môi trường, PCCC theo quy định pháp luật và các quy định chuyên ngành của Bộ GD&ĐT, Y tế.
TP quy định khi cải tạo xây dựng đô thị cũ và thiết kế quy hoạch đô thị mới cũng như quy hoạch xây dựng các điểm dân cư tại 4 quận lõi, cần nghiên cứu bảo tồn hoặc sử dụng hợp lý các khu cây xanh hiện có, đặc biệt với các cây cổ thụ có giá trị.
Không gian cây xanh phải được gắn kết với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục. Các quận ưu tiên tận dụng đất ven hồ và các khoảng trống hình thành trong quá trình cải tạo, tái thiết đô thị để dành cho cây xanh, thảm cỏ.
Các hè phố có kích thước mặt cắt ngang từ 3m trở lên cần xem xét bố trí dải bồn hoa tại vị trí tiếp giáp với lòng đường để tăng cường diện tích cây xanh, tạo cảnh quan và chống lấn chiếm vỉa hè.
Việc cải tạo và nâng cấp mặt đường phải phù hợp với cao độ nền quy hoạch, không được tôn cao gây úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến thoát nước các công trình, khu vực lân cận.
“Trong các khu vực tái thiết đô thị, các tuyến đường cấp nội bộ xây dựng mới phải bố trí vỉa hè rộng tối thiểu 4m để trồng cây xanh, bố trí lối đi riêng cho đường xe đạp, lối đi cho người tàn tật”, quyết định nêu.
Quy chuẩn cũng nêu rõ khu vực không quảng cáo bao gồm: Quảng trường Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ; Khu vực phố cổ; Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Trụ sở của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí giao lộ, vòng xoay.
Hạn chế quảng cáo tại các khu vực Quảng trường 19/8 (Nhà hát Lớn thành phố), Quảng trường 1/5 (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô); tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (từ Hàng Bông đến Nguyễn Tri Phương), khu vực ngã năm Cửa Nam, khu vực mặt tiền Ga Hà Nội. Trên mặt các hồ nước của thành phố. Trên thân các cột đèn chiếu sáng đô thị.
Mặt tiền ngôi nhà, biển quảng cáo không được sử dụng các vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70% hoặc sử dụng các vật liệu có độ phản quang cao chiếm diện tích lớn hơn 50% diện tích biển quảng cáo đó.