Quy chuẩn mới về trung tâm đăng kiểm: Tăng tính năng bảo mật, chống can thiệp dữ liệu kiểm định từ bên ngoài
Bộ GTVT lấy ý kiến xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, để thay thế Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi, lấy ý kiến một số bộ, ngành, Sở GTVT, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN và các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới góp ý xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (thay thế Quy chuẩn QCVN 103:2019/BGTVT).
Dự thảo quy chuẩn được Cục Đăng kiểm VN đề xuất, xây dựng trên cơ sở QCVN 103: 2019/QCVN và sửa đổi, bổ sung theo hướng mỗi dây chuyền đăng kiểm trang bị tối thiểu các thiết bị kiểm định, dùng chung thiết bị cho các dây chuyền; nâng cao yêu cầu lắp đặt, sử dụng thiết bị kiểm định một số hạng mục kỹ thuật quan trọng của xe ô tô và nâng tính bảo mật, ngăn can thiệp vào kết quả kiểm định.
Cụ thể, dự thảo quy chuẩn "định nghĩa" lại dây chuyền kiểm định, với việc chỉ quy định tối thiểu về trang bị của đơn vị kiểm định và các dây chuyền có thể dùng chung một số thiết bị và trang bị thiết bị phù hợp với loại phương tiện mà đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định. Đó là không yêu cầu trang bị thiết bị phân tích khí xả đối với đơn vị đăng kiểm chỉ kiểm định xe trang bị động cơ diesel và xe điện; không yêu cầu thiết bị đo độ khói đối với đơn vị đăng kiểm chỉ kiểm tra xe xăng và xe điện.
Mỗi dây chuyền không nhất thiết phải trang bị đủ các thiết bị: phân tích khí xả, đo độ khói, đo âm lượng, kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước; mà có thể dùng chung cho các dây chuyền. Còn thiết bị cân cũng chỉ yêu cầu đối với đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiệm thu cải tạo xe cơ giới.
Quy chuẩn bổ sung yêu cầu đối với kích nâng được lắp đặt trên hầm kiểm tra phải đảm bảo các phần của kích nâng ở trạng thái chưa làm việc không được nhô cao quá so với sàn xưởng kiểm định 25 mm; khoảng cách từ điểm gần nhất của kích nâng đến điểm đầu chiều dài làm việc của hầm kiểm tra tối thiểu 1,5 m để đăng kiểm viên có đủ không gian thực hiện việc kiểm tra; Kích nâng phải được kiểm định an toàn theo quy định.
Tương tự, trường hợp lắp đặt cầu nâng thay thế hầm kiểm tra: cầu nâng phải có sức nâng tối thiểu 5 tấn, có khả năng điều chỉnh phù hợp với từng loại xe, có chiều cao nâng tối thiểu 1,3 m. Cầu nâng phải được kiểm định an toàn theo quy định.
Điểm mới nổi bật khác là yêu cầu về bảo mật dữ liệu, ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu, kết quả kiểm định xe cơ giới. Cụ thể, phần mềm điều khiển thiết bị phải có khả năng ngăn chặn việc can thiệp bởi người dùng hoặc thông qua phần mềm độc hại nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra của thiết bị, với các yêu cầu chỉ tiết như: phải hiển thị phần mềm; mã hóa dữ liệu; khi đã cài phiên bản phần mềm mới thì không cho phép dùng máy cài phần mềm cũ kết nối với dữ liệu tại máy chủ của đơn vị đăng kiểm.
Cùng đó, bổ sung yêu cầu về kỹ thuật để ngăn can thiệp vào kết quả kiểm tra khí xả, kiểm tra phanh, đèn chiếu sáng phía trước. Về kiểm tra khí xả, bổ sung yêu cầu lắp đặt, trang bị cơ cấu ngăn chặn việc can thiệp vào cảm biến lấy mẫu để thay đổi kết quả kiểm tra (khí xả).
Về kiểm tra phanh xe: có chương trình kiểm tra khác nhau tương ứng với từng kiểu loại phương tiện; tại màn hình điều khiển và kết quả hiển thị phải thể hiện được chế độ kiểm tra phanh của xe có kiểu dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD) và các xe còn lại, cụ thể là chỉ cho phép hiển thị giá trị độ lệch lực phanh trên mỗi trục khi giá trị lực phanh được lấy ở hai thời điểm khác nhau đối với loại xe AWD. Về kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước, thêm yêu cầu: lấy được đúng tâm giao điểm vùng sáng - tối (điểm gãy của đường cut-off) của đèn chiếu gần.
Quy chuẩn cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm VN, Sở GTVT trong thực hiện quy chuẩn để phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Thời hạn lấy ý kiến đóng góp dự thảo quy chuẩn trên đến hết ngày 5/11/2023.