Quy chuẩn nào cho thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô?

Sáng 8/11, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức hội thảo Các tiêu chuẩn đối với thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trên thế giới.

Bước tiến mới đảm bảo an toàn cho trẻ em

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, những năm gần đây, các giải pháp nhằm nâng cao ATGT, kéo giảm TNGT tại Việt Nam đã đem lại rất nhiều kết quả tích cực, TNGT liên tục được kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương; đặc biệt chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Tuy nhiên, nguy cơ gây thương tích và hậu quả lớn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên xe ô tô vẫn còn hiện hữu.

Theo bà Hà, hiện nay chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam được cải thiện, cho phép ô tô di chuyển với tốc độ cao hơn. Bên cạnh đó, thị trường ô tô tiếp tục tăng trưởng nhanh (trên 10%/năm), dẫn tới số lượng trẻ em được chở trên xe ô tô cá nhân cũng gia tăng nhanh.

Các báo cáo nghiên cứu và thực nghiệm đều cho thấy dây an toàn trên xe ô tô chỉ được thiết kế cho người trưởng thành; trẻ em cần có thiết bị an toàn phù hợp với lứa tuổi khi ngồi trên ô tô (đặc biệt là xe ô tô cá nhân).

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua đã quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, được đánh giá là một trong những bước tiến lớn trong việc nâng cao ATGT cho trẻ em tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để triển khai quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, bà Hà cho biết, cần ban hành nhiều quy định, trong đó có tiêu chuẩn đối với thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đây là căn cứ để tuyên truyền cũng như là cơ sở để các tổ chức có liên quan đến hoạt động: nhập khẩu, phân phối, sản xuất, quy chuẩn tiêu chuẩn, quản lý thị trường và người tiêu dùng, thông tin báo chí... tham khảo, sử dụng tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, luật hóa quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là bước tiến mới trong đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, luật hóa quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là bước tiến mới trong đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ (Ảnh minh họa).

Quy chuẩn phải đảm bảo tính khả thi

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu 2 tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô thế giới đang áp dụng, bao gồm tiêu chuẩn UN R44 và UN R129.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, tiêu chuẩn UN R129 được xem là tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn với các yêu cầu bổ sung về thử nghiệm va chạm bên hông, bắt buộc ngồi quay đầu về phía sau cho trẻ dài thời gian hơn so với tiêu chuẩn UN R44. Mặt khác, tiêu chuẩn R129 cũng khuyến khích lắp đặt thiết bị an toàn bằng neo ISOFIX, tăng độ chính xác. Những cải tiến này giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ cho trẻ em trong các vụ va chạm.

Hiện, cả 2 tiêu chuẩn trên đều đang có hiệu lực và được áp dụng tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, đa số các các quốc gia đều hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn R129.

Đại diện Quỹ AIP cho biết, mục tiêu của xây dựng quy chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ em nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng của trẻ khi tham gia giao thông. Quy chuẩn được xây dựng bên cạnh việc đảm bảo tối ưu nhất trong bảo đảm an toàn cho trẻ sử dụng, cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, khi ban hành tiếp cận được càng nhiều người càng tốt, đồng thời, hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn thế giới.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Tại hội thảo, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, đơn vị này đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, về cơ bản sẽ áp dụng song song quy định tại cả hai tiêu chuẩn R44 và R129 trên thế giới, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi áp dụng.

Hiện nay nhiều ô tô con đời cũ chưa trang bị neo ISOFIX nên việc áp dụng ngay tiêu chuẩn R129 với yêu cầu ở mức cao sẽ không chỉ gây khó khăn với người dân mà còn với cả cơ quan quản lý, thử nghiệm trong đầu tư, xây dựng phòng thử nghiệm, đào tạo thực hành thử nghiệm,…

Mặt khác, nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị nhập khẩu, trong bối cảnh Việt Nam đã ký Hiệp định Geneva 1988, đảm bảo sự công nhận năng lực các quốc gia thành viên của Hiệp định và đảm bảo hài hòa với quy định quốc tế, sẽ cho phép công nhận, chứng nhận báo cáo thử nghiệm ở nước ngoài với sản phẩm đã đạt hai tiêu chuẩn trên mà không cần thử nghiệm lại trong nước.

Hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em đã được chứng minh là giảm đáng kể nguy cơ chấn thương và tử vong cho trẻ em trong các vụ va chạm giao thông. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị an toàn đúng cách có thể giảm tới 70% tỷ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh và 54% cho trẻ nhỏ.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-chuan-nao-cho-thiet-bi-an-toan-tre-em-tren-o-to-19224110813481027.htm