Quy chuẩn về PCCC không thể là 'vật cản' trong phát triển kinh tế
Chỉ trong vòng 18 tháng, Bộ Xây dựng đã thay đổi 3 quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) áp dụng cho nhà ở và công trình.
Có ý kiến cho rằng, cần có hành lang pháp lý về PCCC phù hợp hơn, để quy chuẩn không trở thành “vật cản” trong phát triển kinh tế.
Chóng mặt với… quy chuẩn
Cụ thể, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Đến ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD). Tiếp đó, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi liên tục các quy định về quy chuẩn kỹ thuật này gây khó khăn cho người dân trong việc áp dụng các quy định. Mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đại diện Bộ Công an đã đề cập các vấn đề liên quan đến quy định an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) được phản ánh trong thời gian qua.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, quy chuẩn và tiêu chuẩn PCCC là cần thiết, bộ thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Với những quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC liên ngành do các bộ khác quy định.
Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, Bộ Công an thường xuyên rà soát và kiến nghị các bộ có sự điều chỉnh, thay đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC đã cũ và lạc hậu gây khó cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng dẫn chứng như: QCVN 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình, TCVN 4513:1988 về cấp nước của Bộ Xây dựng đã ban hành từ lâu. Bộ Công an nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được thay đổi. “Thật sự cái này áp vào như trên trời rơi xuống, doanh nghiệp kêu là phải...”, ông Lê Quốc Hùng nói.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng đề nghị, thời gian tới phải có hành lang pháp lý PCCC phù hợp hơn, không trở thành “vật cản” trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, không vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn cần thiết liên quan đến đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Cũng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các Bộ: Xây dựng, Công an, KH&CN trong tuần tới phải xử lý ngay các bất cập.
Theo lãnh đạo Chính phủ, thời gian qua, một số quán karaoke, khu công nghiệp, trụ sở không đảm bảo quy định PCCC gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bộ ngành cần tập trung rà soát có trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ đúng điều kiện, tiêu chuẩn của Việt Nam, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
“Tinh thần là phải có giai đoạn chuyển tiếp, xây dựng, thực thi chính sách không được giật cục mà phải chuyển đổi trong trạng thái có lộ trình...”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết bức xúc của doanh nghiệp.
Tiếp tục gỡ khó
Ngày 11/4, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an có Công văn số 1091/C07-P3,P4,P7 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Đáng chú ý có nội dung, với công trình thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng. Đơn cử, công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở theo QCVN 06:2021/BXD, chủ đầu tư được lựa chọn tiếp tục sử dụng QCVN 06:2021/BXD để thiết kế kỹ thuật.
“Mặc dù QCVN 06:2022/BXD không quy định giải pháp bọc bảo vệ kết cấu bằng thạch cao, chủ đầu tư vẫn được lựa chọn để áp dụng giải pháp bọc bảo vệ theo phụ lục F của QCVN 06:2021/BXD. Khi nghiệm thu về PCCC đối với nội dung này không yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC cho mẫu kết cấu được bọc bảo vệ...”, văn bản nêu.
Đối với trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/1/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình theo quy định.
Với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng triển khai văn bản rà soát các trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có các khó khăn, vướng mắc tương tự trên toàn quốc.
Qua đó nắm bắt được danh sách cụ thể, đã lập kế hoạch để phối hợp công an các địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên toàn quốc trong thời gian tới.
Trước đó, Báo GD&TĐ, số 87, ra ngày 12/4/2023, có bài viết “Kinh doanh karaoke gặp khó vì thay đổi quy chuẩn PCCC” phản ánh, chỉ trong vòng 18 tháng, đã có 3 quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) áp dụng cho nhà ở và công trình được ban hành bởi Bộ Xây dựng.
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ băn khoăn về việc thay đổi liên tục của các quy định này. Trước thực trạng đó, tại Hà Nội, Công an thành phố đã đề xuất 6 giải pháp để tháo gỡ gửi Bộ Xây dựng.