Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang: 'Tiếp sức' nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) tỉnh Tiền Giang được thành lập theo Quyết định 20 ngày 8-6-2001 của UBND tỉnh Tiền Giang. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ ĐTPT tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những kênh hỗ trợ tài chính hiệu quả, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH).Quỹ ĐTPT tỉnh Tiền Giang là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương.ĐÁP ỨNG KỊP THỜI NHU CẦU VAY VỐN
Trong những năm qua, sự lớn mạnh của Quỹ ĐTPT tỉnh thể hiện nổi bật nhất ở nguồn vốn hoạt động tăng trưởng nhanh và bền vững. Nguồn vốn cho vay đầu tư của quỹ đã phát huy tác dụng rõ rệt, là “vốn mồi” nhằm thu hút nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp (DN) thực hiện các dự án đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu ưu tiên phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Qua hơn 20 năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của Quỹ ĐTPT tỉnh Tiền Giang đạt hơn 1.203,4 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với thời điểm mới thành lập (50 tỷ đồng) và tốc độ tăng trưởng vốn hoạt động bình quân đạt hơn 109,4%/năm. Hoạt động chủ yếu của Quỹ ĐTPT tỉnh là cho vay đầu tư.
Các dự án vay vốn tại quỹ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, dự án hoạt động có hiệu quả. Trên cơ sở nguồn vốn cho vay của Quỹ ĐTPT tỉnh là nguồn “vốn mồi”, đã thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn của các DN và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn đầu tư vào các dự án. Đồng thời, hỗ trợ các DN mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, Quỹ ĐTPT tỉnh đã cho vay 62 dự án, phương án của 11 DN; tổng số vốn giải ngân 418,129 tỷ đồng, bằng 26,25% so với tổng mức đầu tư (1.592,488 tỷ đồng); thu nợ gốc 224,247 tỷ đồng. Một số lĩnh vực có tỷ trọng cho vay đầu tư lớn, như: Công trình cấp nước sinh hoạt: 21,169 tỷ đồng (chiếm 5,06%); Hạ tầng cụm công nghiệp: 75,281 tỷ đồng (chiếm 18%); Hạ tầng giao thông: 48,4 tỷ đồng (chiếm 11,57%); Hạ tầng y tế, giáo dục: 1,722 tỷ đồng (chiếm 0,41%); Hệ thống lưới điện nông thôn: 142,7 tỷ đồng (chiếm 34,12%).
Một số dự án lớn mà Quỹ ĐTPT tỉnh đã cho vay trong giai đoạn 2018 - 2022, gồm: Đầu tư xây dựng Cảng du thuyền, hạ tầng Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và các dự án: Đầu tư đường D7 và khu dân cư hai bên đường, Đầu tư mua 16 xe buýt hiệu SAMCO 40 chỗ khai thác tuyến xe buýt Bến xe Tiền Giang đến Bến xe An Hữu và ngược lại, Đầu tư Trường Mầm non Hoa Lan - TX. Gò Công; Phương án Đầu tư mở rộng Trường THPT Tư thục Ấp Bắc; các phương án cải tạo và phát triển lưới điện cung cấp điện cho các xã nông thôn mới…
Giám đốc Quỹ ĐTPT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, để có được những kết quả trong thời gian qua, Quỹ ĐTPT tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sự chỉ đạo sâu sát, điều hành của Hội đồng quản lý Quỹ ĐTPT tỉnh đã góp phần giúp quỹ hoạt động, thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao các chỉ tiêu và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đây là động lực để tập thể đơn vị tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Quỹ ĐTPT tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Tiền Giang và các ngành có liên quan nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh để tìm kiếm, giới thiệu, hướng dẫn cho các HTX biết và tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ này. Trong giai đoạn 2018 - 2022, Quỹ ĐTPT tỉnh đã cho vay 23 phương án của 21 HTX với tổng số vốn giải ngân 46,79 tỷ đồng, dư nợ vay đến ngày 31-12-2022 là 9,72 tỷ đồng. Qua đó, giúp các HTX có điều kiện tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bằng số vốn vay hỗ trợ phát triển HTX, giảm tình trạng thất nghiệp tại địa phương.
Quỹ ĐTPT tỉnh còn thực hiện nhiệm vụ ứng vốn phát triển quỹ đất. Trong giai đoạn 2018 - 2022, quỹ đã ký hợp đồng ứng vốn cho 31 đơn vị, 57 dự án, với số tiền 734,4 tỷ đồng. Các dự án lớn đã được quỹ ứng vốn thực hiện, như: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư Công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 874; Bồi thường, hỗ trợ các dự án: Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long; Mở rộng Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (khu vực II); Giải phóng mặt bằng nghĩa địa thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây); Công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 877B từ Bình Ninh đến Tân Long; bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Cầu Vàm Cái Thia…
Thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay đầu tư của Quỹ ĐTPT tỉnh đã phát huy tác dụng rõ rệt, là “vốn mồi” nhằm để thu hút nguồn lực tài chính của các DN thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển của tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, với lãi suất thấp, ổn định của nguồn vốn này đã phần nào tạo động lực và hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về vốn, triển khai các dự án đảm bảo tiến độ.
TẠO ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN NGUỒN VỐN
Theo Quỹ ĐTPT tỉnh, thời gian tới, quỹ tiếp tục rà soát, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ; các quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. Tăng cường công tác kiểm tra sau giải ngân vốn vay đối với các dự án cho vay đầu tư, cho vay hỗ trợ phát triển HTX, bảo lãnh tín dụng và ứng vốn phát triển quỹ đất.
Cùng với đó, chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp để tạo điều kiện cho chủ đầu tư trả nợ; trích lập đủ dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Phối hợp với bên vay và các cơ quan chức năng có liên quan, quyết liệt xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ, giảm nợ xấu, đồng thời có biện pháp kiềm chế nợ xấu mới phát sinh.
Bên cạnh đó, gặp gỡ, duy trì mối liên hệ thường xuyên với các nhà đầu tư, các DN, HTX trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Chủ động tiếp cận các dự án đầu tư tiềm năng, phương án sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn để giới thiệu, hướng dẫn thủ tục vay vốn, bảo lãnh tín dụng và ứng vốn phát triển quỹ đất.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của công chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt nếp sống văn hóa nơi công sở, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thái độ giao tiếp công dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan; khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử của Quỹ ĐTPT tỉnh Tiền Giang.