Quy định 80 bổ sung thêm 2 điều kiện, tránh tình trạng cán bộ 'tráng men'

Nếu như Quy định 105 nêu 5 bước bổ nhiệm cán bộ thì Quy định 80 tăng thêm 2 điều kiện, bao gồm: Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.

Nhân sự phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất hai năm.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung hai điều kiện này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ “chín non, chín ép”, "thấy đỏ mà tưởng là chín"như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh...

PGS.TS LÊ VĂN CƯỜNG, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, HV Chính trị QG Hồ Chí Minh: "Quy định như vậy thì tránh tình trạng nhân dân hay dùng từ khá buồn là tình trạng “cán bộ tráng men” , đi có vài tháng, có 1 năm rồi lại chuyển. Vậy thì dấu ấn ở đâu. Anh làm được gì? Có ước mơ, hoài bão , có sáng kiến chưa kịp thực hiện thì lại đi . Đánh giá cán bộ là khâu khó, nhiều nhiệm kỳ nay chúng ta vẫn nói là khâu yếu . Quy định rõ 2 năm là rất hợp lý và được cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ."

Thực tế cho thấy, khi bổ nhiệm cán bộ vào một vị trí công tác, cần phải có đủ thời gian thì cán bộ đó mới thể hiện được phẩm chất chính trị, năng lực công tác, khả năng quản lý lãnh đạo của mình. Đánh giá cáo Quy định này, các chuyên gia cũng kỳ vọng điều này sẽ giúp khắc phục được tình trạng cán bộ leo vào các vị trí quá sức, mặc chiếc áo quá rộng , và hệ lụy tất yếu dẫn đến là tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham ô, tham nhũng làm mất uy tín của đảng, Nhà nước....

Ông NGUYỄN ĐỨC HÀ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: "Không thể có chuyện mà mới năm ngoái anh vừa được bổ nhiệm vào chức vụ này rồi năm nay mới được có một năm thì lại bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn thì lần này quy định rất rõ như vậy...."

So với trước, Quy định 80 của Bộ Chính trị đã quy định rất rõ, cụ thể về việc cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật. Theo đó, 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách, 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo và 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, với những quy địn cụ thể về thời gian như trên là đủ để cho cán bộ mắc khuyết điểm tự kiểm điểm, tu sửa và để những người có năng lực tiếp tục được bổ nhiệm vào những vị trí công tác xứng đáng.

PGS.TS NGUYỄN THỊ BÁO, GVCC Viện Nhà nước và Pháp luật, HV Chính trị QG HCM: "Vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thể hiện chế tài trong công tác. Anh bị cách chức thì năm năm anh mới có thể được quy hoạch bổ nhiệm thì đây là bài học cảnh tỉnh cho các cán bộ trẻ, hiểu rõ hơn là con đường chính trị của mình là phải quyết tâm rèn luyện nếu không sẽ không có cơ hội. Bởi vì 5 năm là cả 1 nhiệm kỳ rồi và sẽ mất đi cơ hội và như thấy tư thế quy định này có ý nghĩa cả vì thực tiễn và lý luận. Thể hiện sự thống nhất trong quan điểm của đảng ta là quyết tâm chính trị xây dựng một đội ngũ cán bộ trong sạch về tư cách đạo đức, trình độ, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý để tiếp tục gánh vác trọng trách mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó"

Có thể thấy công tác cán bộ là then chốt của công tác xây dựng Đảng. Trong bối cảnh Đảng ta mất mát cán bộ do nhiều vụ việc sai phạm, bị xử lý kỷ luật thời gian qua, việc Bộ Chính trị ban hành quy định mới một lần nữa thể hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, để công tác cán bộ được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch; phân cấp, phân quyền quản lý để phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm của các cấp trong việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh được đúng người, đúng việc.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quy-dinh-80-bo-sung-them-2-dieu-kien-tranh-tinh-trang-can-bo-trang-men