Quy định cần thiết

ĐBP - Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, khắc phục thiệt hại nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và cộng đồng vùng thiên tai, dịch bệnh. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, 'lá lành đùm lá rách' của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc “lùm xùm” liên quan đến hoạt động từ thiện của một số cá nhân tại một số địa phương trong nước bị dư luận có ý kiến về dấu hiệu khuất tất, lợi dụng hoạt động quyên góp từ thiện để đánh bóng tên tuổi hoặc phục vụ cho mục đích, động cơ thiếu trong sáng, thậm chí trục lợi. Điều này đã khiến hoạt động từ thiện đang bộc lộ nhiều bất cập và niềm tin của người dân dành cho hoạt động tốt đẹp này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại tỉnh ta, những năm qua ngoài các tổ chức được phép kêu gọi từ thiện theo quy định, như: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Hội Chữ thập đỏ… cũng có nhiều nhóm người, cá nhân đứng ra kêu gọi, huy động hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần tích cực cùng địa phương hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh có thêm động lực, tinh thần vươn lên.

Mặc dù đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào khuất tất liên quan đến việc vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ nhưng cũng cần quản lý tốt hoạt động này. Bởi theo các cơ quan chức năng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng manh nha có một số cá nhân thực hiện công tác từ thiện xã hội không có động cơ, mục đích trong sáng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, thì để đề phòng lòng tốt bị lợi dụng, lừa gạt… người dân nên gửi tiền, hàng hóa ủng hộ từ thiện đến các cơ quan chính thống tổ chức các hoạt động cứu trợ nhân đạo, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp, hoặc chính quyền địa phương xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Trường hợp muốn gửi tiền cho các cá nhân, nhóm tự phát đứng ra kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội, cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin.

Ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2021). Nghị định quy định rõ khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối trên phương tiện truyền thông. Người vận động cũng phải gửi nội dung này đến UBND cấp xã nơi cư trú và chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm… Quy định này là rất cần thiết, vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân chung tay làm công tác nhân đạo; đồng thời sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực cộng đồng và chấm dứt tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân!

Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192899/quy-dinh-can-thiet