Quy định chặt chẽ các dấu hiệu, báo cáo giao dịch để phòng, chống rửa tiền

Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất của hoạt động rửa tiền rất đặc thù. Vì vậy, dự thảo Luật cần tập trung quy định đầy đủ các nội dung để phòng ngừa hoạt động rửa tiền với những quy định rõ ràng, chặt chẽ.

Chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có bố cục gồm 4 chương, 65 điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền...

Phòng ngừa rửa tiền rất quan trọng

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đoàn Đại biêu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. (ảnh: Quốc hội)

Đoàn Đại biêu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. (ảnh: Quốc hội)

Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất của hoạt động rửa tiền rất đặc thù. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về phòng ngừa có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng, dự thảo Luật cần tập trung quy định đầy đủ các nội dung để phòng ngừa hoạt động rửa tiền với những quy định rõ ràng, chặt chẽ, không tạo ra kẽ hở, nhưng cũng không tạo ra sự lạm dụng trong quá trình thực thi.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang) đề nghị cần rà soát bổ sung, làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong phòng, chống rửa tiền theo hai nhóm giải pháp phòng và chống. Theo đại biểu, đây là nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của dự thảo Luật, sau này có thực hiện hiệu quả được hay không cũng phụ thuộc vào điều này.

Liên quan đến nội dung về báo cáo giao dịch đáng ngờ, các đại biểu cho rằng, trên thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật nên có những quy định mô tả và xác minh rõ hành vi có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo Luật còn mang tính định tính nên một số ý kiến đề nghị cần phải làm rõ tiêu chí như thế nào thì sẽ coi là “bất thường”...

Ngoài ra, về công tác phòng, chống rửa tiền, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đang hội nhập sâu rộng với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, dự thảo Luật nên rà soát, bổ sung để chặt chẽ hơn về kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để đảm bảo sự chia sẻ, phục vụ mục đích xác minh thông tin.

Xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề nghị bổ sung khoản 10 Điều 3 đối với tội phạm đánh bạc và tội phạm ma túy bởi hai nhóm tội phạm này hiện có liên quan rất nhiều đến hoạt động rửa tiền. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định đối với tiền ảo vì thực tế hiện nay dù luật pháp chưa cho phép nhưng các hoạt động giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra. Nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm, lĩnh vực này sẽ rất dễ bị lợi dụng để rửa tiền nhiều nhất.

Các đại biểu Tổ 7 thảo luận tại tổ. (ảnh: Quốc hội)

Các đại biểu Tổ 7 thảo luận tại tổ. (ảnh: Quốc hội)

Nên quy định theo hướng định kỳ 2 năm một lần hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ có báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền để báo cáo Quốc hội là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương). Theo đại biểu, đây là vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia và các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Do đó, nếu có rủi ro phát sinh liên quan đến chính sách, pháp luật thì Quốc hội phải kịp thời xem xét.

Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã có công nhận pháp lý với tiền điện tử..

Còn theo đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam), tiền số, tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền số, tài sản số là một kênh để tội phạm có thể lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố, thực hiện các hoạt động phi pháp. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số để ngăn chặn rủi ro.

Bên cạnh đó, cũng cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động này...

Theo các đại biểu, với hồ sơ dự án Luật và các tài liệu kèm theo, dự thảo Luật đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quy-dinh-chat-che-cac-dau-hieu-bao-cao-giao-dich-de-phong-chong-rua-tien-147826.html