Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng không nhân dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 198/2025/NĐ-CP ngày 8/7/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng không nhân dân. Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/8/2025.

Nghị định này quy định chi tiết khoản 4 Điều 9, khoản 6 Điều 38 và Điều 44 Luật Phòng không nhân dân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không; chế độ chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân và nội dung quản lý nhà nước về phòng không nhân dân.

Về hệ thống tổ chức Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp, Nghị định quy định gồm: Ban chỉ đạo phòng không nhân dân Trung ương; Ban chỉ đạo phòng không nhân dân quân khu; Ban chỉ đạo phòng không nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); Ban chỉ đạo phòng không nhân dân xã, phường, đặc khu (cấp xã).

Bên cạnh đó, Nghị định quy định về chế độ tiền lương, tiền công, tiền ăn, phụ cấp đặc thù đối với người được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân như sau:

Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Khi làm việc trong môi trường độc hại hoặc nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng theo chế độ hiện hành.

Người lao động hợp đồng trong thời gian tham gia tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định.

Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn và phụ cấp đặc thù như đối với dân quân được huy động làm nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ. Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.

Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan huy động trả tiền trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn, phụ cấp đặc thù và các chế độ khác theo quy định tại 1 ở trên; tiền lương do doanh nghiệp, tổ chức chi trả và được tính vào chi phí quản lý sản xuất, kinh doanh.

Đối với dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chưa được sắp xếp vào các đơn vị dân quân tự vệ, dự bị động viên khi được huy động thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ, dự bị động viên.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị định nêu rõ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức chi cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng không nhân dân cao hơn định mức chi chung theo quy định của pháp luật. Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì thực hiện theo mức tham chiếu do Chính phủ quy định.

Nghị định quy định người khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian tính từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú hoặc từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi bị ốm đau, tai nạn hoặc chết.

Còn người khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng chế độ, chính sách như dân quân không tham gia đóng bảo hiểm khi làm nhiệm vụ bị ốm đau, tai nạn hoặc chết.

Đối với người tự nguyện tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng các chế độ như các đối tượng được cấp có thẩm quyền huy động nếu đủ các điều kiện sau đây: Được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý xác nhận nhân thân, thời gian tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân có trong kế hoạch tổ chức thực hiện hoặc lịch công tác thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân của cấp trực tiếp quản lý người tự nguyện đó.

Được người chỉ huy hoặc phụ trách lực lượng phòng không nhân dân (tổ, đội) và cấp trên của người chỉ huy trực tiếp người tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân xác nhận thời gian thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Người tự nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân chấp nhận chế độ được hưởng theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ điều kiện, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, chế độ, chính sách cho người tham gia làm nhiệm vụ phòng không nhân dân nếu bị ốm đau, bị tai nạn hoặc chết thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với dân quân tự vệ, dự bị động viên khi được huy động làm nhiệm vụ.

Trường hợp dùng chất kích thích hoặc thực hiện các hành vi khác hủy hoại sức khỏe, tính mạng hoặc sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì không được hưởng các chế độ quy định ở trên.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng không nhân dân và có trách nhiệm sau đây: Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng không nhân dân.

Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng chính sách, chương trình, đề án, dự án, quy hoạch hệ thống trận địa phòng không, kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và công nghệ về hoạt động phòng không nhân dân.

Chủ trì bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, hướng dẫn việc quản lý, khai thác sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật và các phương tiện, thiết bị cho lực lượng phòng không nhân dân.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan thẩm định việc xây dựng các công trình phòng không nhân dân, các công trình lưỡng dụng để sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.

Chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.

Phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an ninh, trật tự trong diễn tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

Phối hợp với bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, khen thưởng, xử phạt và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ, hoạt động phòng không nhân dân.

Tổ chức cơ quan giúp việc để triển khai thực hiện thống nhất nhiệm vụ, hoạt động phòng không nhân dân trong phạm vi cả nước. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân.

Chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không. Hướng dẫn đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện và xây dựng mô hình điểm về phòng không nhân dân.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về tham mưu tác chiến phòng không trong khu vực phòng thủ; diễn tập phòng không nhân dân; diễn tập khu vực phòng thủ có triển khai nội dung phòng không nhân dân.

Hàng năm, chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; chỉ đạo các quân khu tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/quy-dinh-chi-tiet-mot-so-dieu-va-bien-phap-thi-hanh-luat-phong-khong-nhan-dan-180753.html