Quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ làm khó các doanh nghiệp quảng cáo
Một số quy định trong luật quảng cáo hiện hành đang có sự chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ với với các các quy định của luật khác khiến nhiều doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Đây là thông tin được nhiều doanh nghiệp quảng cáo cũng như đại diện các cơ quan quản lý nêu lên tại hội thảo “Lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam” do Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vào ngày 26/4.
Tại hội thảo, đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo đã được Chính phủ thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023. Sau đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ đồng ý đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
Về Bố cục dự thảo Luật gồm 3 Điều. Trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 20 điều, khoản; bổ sung 03 Điều mới); Điều 2 bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 3 về Điều khoản thi hành. Bên cạnh giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, dự thảo luật mới bổ sung thêm quy định để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.
Theo đó dự thảo bổ sung một số quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng- rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương….
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, trong hội thảo này mong các đơn vị, doanh ghiệp tập trung mổ xe để chỉ ra những vấn đề cần hoàn thiện để Luật mới phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi, tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị, Luật Quảng cáo sửa đổi phải đồng bộ hóa các bộ luật khác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp quảng cáo hiện nay đang gặp phải. Lấy dẫn chứng về quảng cáo ngoài trời, ông Đảo cho biết rất nhiều trụ quảng cáo hiện nay nằm trên quy hoạch đất hành lang giao thông hoặc đất nông nghiệp nên việc xin giấy phép rất khó khăn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sự chồng chéo trong các quy định đang làm khó ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tuyến đường mới mở rất đẹp được các doanh nghiệp quan tâm, xin đặt bảng quảng cáo nhưng không thực hiện được do vướng quy hoạch.
“Hiện chúng ta đang xây dựng quy hoạch theo lộ trình 5 năm nhưng chỉ trong 6 tháng đến 1 năm các trục đường đã có sự thay đổi rất nhiều. Sắp tới đây Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm nhiều tuyến đường đủ điều kiện và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp quảng cáo nhưng do vướng quy hoạch nên chưa làm được. Do đó xin rút ngắn thời gian quy hoạch hoặc rút ngắn lại việc điều chỉnh để phát huy được nguồn lực”, ông Lợi kiến nghị.
Ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận cũng cho biết địa phươn này hiện đang làm quy hoạch quảng cáo, có quy hoạch các vị trí đặt quảng cáo. Nhưng đang có sự bất cập vì các vị trí xây dựng trụ quảng cáo phải thuộc đất ở hoặc thương mại dịch vụ, trong khi hầu hết các vị trí đó là đất nông nghiệp hoặc đất thuộc hành lang an toàn giao thông. “Nên xem xét các công trình quảng cáo là công trình tạm, không cần phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo điều kiện khai thác tốt hơn các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế”, ông Huy kiến nghị.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội thảo kiến nghị trong luật mới cần làm rõ thêm nội hàm một số khái niệm; sự thống nhất áp dụng trong cơ quan quản lý cũng như kiến nghị Luật mới không làm phát sinh thêm giấy phép con và hay tăng thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động quảng cáo. Thay vào đó, cần tăng cường công tác hậu kiểm và giảm bớt các thủ tục giao dịch trực tiếp để tránh phát sinh tiêu cực .
Thay mặt Bộ VH-TT&DL, ông Phạm Cao Thái – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết rất trân trọng những ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn cao được các doanh nghiệp nêu lên tại hội thảo. Bộ sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp và thảo luận để hoàn chỉnh dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quảng cáo phát triển, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.