Quy định còn chung chung
Những ngày gần đây, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT thật sự nóng với câu chuyện học sinh (HS) được sử dụng điện thoại trong giờ học. Dù đồng tình hay phản đối, các ý kiến đều viện dẫn những lý do mà xét ở khía cạnh nào đó đều có lý.
Nhiều phụ huynh có con học ở Mỹ cho biết, HS phổ thông bị cấm mang điện thoại đến trường. Trong giờ học, các em ngoài chuyện tập trung vào bài giảng của thầy cô, còn phải theo dõi tương tác với bạn học qua những câu hỏi đáp giữa giáo viên và HS; học cách ghi chép lại sao cho mình dễ hiểu, dễ nhớ. Muốn tìm hiểu thông tin trên mạng, các em đều vào phòng vi tính của trường, và dĩ nhiên các trường học đều quản lý các trang web HS đăng nhập.
Tương tự, nhiều quốc gia châu Âu cũng cấm HS mang điện thoại đến trường. Chính phủ và cơ quan quản lý giáo dục kiểm soát chặt chẽ mạng trong trường học; máy tính hoặc máy tính bảng của HS chỉ dùng được mạng nội bộ (đã bị kiểm soát nội dung truy cập và ngăn chặn web đen). Ngay cả giáo viên, nếu muốn sử dụng nội dung như game hay Youtube thì phải dùng password do trường cung cấp riêng cho mỗi người…
Tại Việt Nam, từ trước đến nay, HS không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu các em mang đến lớp sẽ bị giáo viên tịch thu. Không chỉ trường công lập, dân lập mà ngay cả một số trường quốc tế cũng cấm học sinh mang điện thoại đến trường.
Rõ ràng, có quá nhiều mối lo nếu HS được phép sử dụng điện thoại trong giờ học.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 70-80% trẻ em 10-15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%. Học sinh đã nghiện game online sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy như sa sút về thể lực và tinh thần, trầm cảm, hay cáu gắt, bỏ bê việc học hành, nhất là không kiểm soát được hành vi của bản thân…
Cũng từ lâu, mối lo trẻ nghiện game đã trở thành thường trực của từng gia đình, phụ huynh, thầy cô. Đó là lý do mà nhiều gia đình đã coi thời gian ở trường là khoảng thời gian “sạch” với con em mình, vì không có điện thoại, máy tính để sử dụng. Nếu cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học, HS sẽ có cớ để mang điện thoại đến trường. Cha mẹ đã lo càng thêm lo.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Quy định của Bộ GD-ĐT đã nói rõ, chỉ được phép dùng điện thoại để sử dụng cho việc học và phải có sự cho phép của giáo viên. Tới đây, khi hình thức dạy học trực tuyến được công nhận, phải có phương tiện cho HS truy cập vào các nguồn học liệu nên không thể cứ mãi quẩn quanh với việc cấm đoán HS. Vấn đề là gia đình, nhà trường, thầy cô đều phải có biện pháp để hướng dẫn, quản lý HS sử dụng điện thoại một cách phù hợp, có hiệu quả; không nên chỉ khoán trắng cho nhà trường mà từng gia đình, phụ huynh đều phải có trách nhiệm uốn nắn con mình, kể cả trong việc rèn tính tự giác dùng điện thoại.
Dù vậy, quy định ghi chung chung, đại khái rằng “không cấm HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học nếu việc sử dụng phục vụ cho mục đích học tập và được giáo viên cho phép” là chưa ổn. Để giúp HS có kỹ năng dùng điện thoại khai thác kiến thức phục vụ việc học tập, đồng thời giải tỏa băn khoăn của thầy cô, phụ huynh cũng như không gây hệ lụy, Bộ GD-ĐT nên có văn bản hướng dẫn thực hiện việc này một cách rõ ràng, cụ thể, thống nhất.
Nếu cho HS dùng điện thoại, cần tuân thủ các quy định cụ thể, như khi HS sử dụng điện thoại nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, giáo viên sẽ dễ dàng kiểm soát việc sử dụng của các em; cần quy định thời gian dùng điện thoại cụ thể trong giờ học nhằm hạn chế việc các em rảnh rỗi, làm việc riêng; khi hết thời gian thảo luận nhóm, các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, đồng thời cất điện thoại. Cần có quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học, nếu HS nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quy-dinh-con-chung-chung-686898.html