Quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chiều nay, 15.6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần làm rõ cơ sở pháp lý xác định biện pháp quản lý và biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong quy định đình chỉ thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; đồng thời quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt khi sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Chưa rõ cơ sở pháp lý
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đa số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện, bảo vệ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.
Về quy định đình chỉ thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cần xác định rõ tính chất đây là biện pháp quản lý hay biện pháp xử phạt vi phạm hành chính? Nếu chỉ là biện pháp quản lý thì cơ sở pháp lý nào để đề xuất? Vì việc áp dụng biện pháp đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng băng tần bị đình chỉ có ý nghĩa như một chế tài xử phạt.
Nếu là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, theo ĐB Dương Khắc Mai, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong mối quan hệ với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi, theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, “đình chỉ hoạt động có thời hạn là một trong những biện pháp xử lý vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, cơ sở để áp dụng biện pháp này phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Luật Xử lý vi phạm hành chính không loại trừ Luật Tần số vô tuyến điện có các quy định riêng trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, cơ sở để áp dụng biện pháp đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông, nhưng lại không rõ là việc vi phạm cam kết đó có hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng hay không.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị cần chỉnh lý và nghiên cứu kỹ quy định này để bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đánh giá kỹ lưỡng các nội dung về công nghệ
Cơ bản thống nhất với nội dung tại khoản 4, Điều 45 dự thảo Luật “Trong trường hợp cần thiết, căn cứ quy định luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc kết hợp chặt chẽ, đảm bảo quốc phòng, an ninh phát triển kinh tế là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, mục tiêu xây dựng nền quốc phòng, an ninh hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ an ninh Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp tạo lập kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng khi xảy ra các tình huống an ninh, quốc phòng. Việc bổ sung quy định này cũng không xung đột và không trái Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, không mâu thuẫn với pháp luật về thuế, phí và các cam kết quốc tế trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy nhiên, đây là chính sách rất quan trọng và có nhiều ý kiến khác nhau, kể cả khi thẩm tra, nên ĐB Thạch Phước Bình đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng các nội dung về công nghệ. Việc sử dụng cùng một tần số để vừa kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là rất khó khăn. Trường hợp bổ sung quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong trường hợp đặc biệt thì cần làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt và trong trường hợp kết hợp thì có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hay không. “Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì khả năng đảm bảo nguyên tắc quan trọng là phải đưa mục đích quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh quốc gia lên hàng đầu có được đảm bảo hay không?”, ĐB Thạch Phước Bình đặt câu hỏi.