Quy định cụ thể điều kiện, nghĩa vụ của người nước ngoài điều tra cơ bản về dầu khí

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh điều này, đặc biệt khi các cá nhân điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị rất quan trọng, nhằm mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (Điều 16 dự thảo luật), có ý kiến đề nghị quy định về liên danh cụ thể, chặt chẽ hơn để tránh các cá nhân không đủ năng lực lợi dụng việc liên danh để tham gia vào đấu thầu nhưng khi trúng thầu lại thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

UBTVQH cho rằng, Luật Dầu khí chỉ quy định những điều kiện chung, tổ chức, cá nhân cụ thể sẽ được đánh giá kỹ lưỡng đối với từng trường hợp cụ thể đề xuất ký kết hợp đồng dầu khí gắn với trách nhiệm rõ ràng, bảo đảm chặt chẽ và được thẩm định với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh trong hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí; bổ sung quy định về việc tổ chức bảo vệ, ứng phó với các yếu tố tác động đến quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển; rà soát các hoạt động đầu tư, khai thác và các vấn đề liên quan đến nước ngoài để nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh, bảo đảm quy định chặt chẽ và hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo luật đã bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 10 về trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí; trong quá trình đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao sẽ cho ý kiến về các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh.

"Trong thực tế, các hoạt động dầu khí như triển khai ký kết hợp đồng dầu khí; gia hạn hợp đồng, gia hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò, triển khai hoạt động dầu khí trên biển hằng năm (đối với một số khu vực nước sâu, xa bờ)… đều được xin ý kiến đầy đủ các bộ có liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thông tin.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức thảo luận tại hội trường.

Qua thảo luận tại hội trường, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn, dự thảo luật đã quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam; đặt ra điều kiện cho các cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia cũng như đặt ra quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tham gia, tuy nhiên, không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia điều tra cơ bản về dầu khí.

"Cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị rất quan trọng thì cần phải có điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có các quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh", đại biểu lưu ý. Về hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu nhận thấy, trong trường hợp cơ quan nước ngoài có tổ chức khác chủ trì, cá nhân tham gia thì cũng chưa quy định cá nhân tham gia như thế nào? Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật về các hình thức cũng như về các quyền, nghĩa vụ.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của dự thảo luật, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Với quy định trên, đại biểu nhận thấy, điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ được tiến hành khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tuy nhiên dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền cho phép điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

"Đề nghị cần làm rõ Danh mục điều tra cơ bản về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Điều 10 dự thảo luật). Phải chăng, hợp đồng dầu khí được Thủ tướng phê duyệt hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (quy định tại Điều 27 dự thảo luật) là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí hoặc hoạt động dầu khí? Nếu đây là hình thức cho phép thì đề nghị quy định rõ để đảm bảo tính minh bạch của văn bản pháp luật", ĐBQH Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quy-dinh-cu-the-dieu-kien-nghia-vu-cua-nguoi-nuoc-ngoai-dieu-tra-co-ban-ve-dau-khi-i672090/