Quy định cụ thể thời hạn giám định, cơ quan chủ trì giám định

Thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc trong quan hệ phối hợp, nên có tình trạng cơ quan này đợi cơ quan khác giám định xong mới tiến hành, thậm chí còn đùn đẩy, dẫn tới kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án.

Trong phiên họp thứ 41, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Theo Báo cáo Về một số vấn đề lớn của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời hạn GĐTP.

Cu thể, đối với các trường hợp ngoài trường hợp giám định bắt buộc theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự là 3 tháng, trường hợp phức tạp tối đa là 4 tháng. Bộ, cơ quan ngang bộ quy định thời hạn GĐTP cho từng loại việc cụ thể và việc gia hạn GĐTP phải bảo đảm thời hạn tố tụng theo quy định của pháp luật.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị không quy định thời hạn giám định trong dự thảo Luật vì cho rằng vấn đề này phải được quy định đồng bộ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, quy định thời hạn GĐTP như dự thảo Luật sẽ khắc phục cơ bản vướng mắc hiện nay. Về thời hạn cụ thể, quy định thời hạn không quá 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng đã được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn hoạt động GĐTP trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông – vận tải, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ ...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận (Ảnh: Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận (Ảnh: Quốc hội)

Thời hạn cụ thể nên giao bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực để quy định thời hạn GĐTP cho từng loại việc cụ thể.

Theo cơ quan thẩm tra, yêu cầu GĐTP có thể đặt ra ở bất cứ thời điểm nào của quá trình tố tụng. Thực tế, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đang quy định thời hạn GĐTP trong một số trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định không phụ thuộc vào thời hạn tố tụng. Trường hợp thời hạn tố tụng đã hết mà chưa có kết quả giám định thì vụ án sẽ được tạm đình chỉ. Như vậy, nếu buộc phải tuân theo thời hạn tố tụng sẽ khó khả thi và không bảo đảm yêu cầu của việc thực hiện GĐTP.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đề nghị cho giữ quy định thời hạn GĐTP như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Về gia hạn GĐTP, đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định thời gian gia hạn ngắn hơn thời hạn giám định lần đầu để vừa bảo đảm cho việc thực hiện giám định, đồng thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quá trình tiến hành tố tụng.

Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định, Dự thảo Luật quy định: trường hợp các nội dung giám định đan xen, không thể tách riêng từng nội dung để trưng cầu thì người trưng cầu giám định có thể xác định một cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định....

Kết luận giám định được Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cùng ký, đóng dấu và chịu trách nhiệm về phần kết luận do người giám định thuộc thẩm quyền quản lý của mình thực hiện.

Theo Báo cáo, nhiều ý ĐBQH tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì khó có căn cứ xác định cơ quan, tổ chức nào là chủ trì vì mỗi cơ quan, tổ chức đều phụ trách giám định một lĩnh vực chuyên môn nhất định.

Ủy ban thẩm tra cho rằng, trường hợp cùng một đối tượng giám định nhưng phải giám định nhiều nội dung khác nhau mà liên quan mật thiết với nhau thì bắt buộc phải có sự phối hợp của các cơ quan.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc trong quan hệ phối hợp, nên có tình trạng cơ quan này đợi cơ quan khác giám định xong mới tiến hành, thậm chí còn đùn đẩy, dẫn tới kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án.

Tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị quy định trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức nhưng việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định cơ quan, tổ chức chủ trì tổ chức việc giám định và cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-dinh-cu-the-thoi-han-giam-dinh-co-quan-chu-tri-giam-dinh-176736.html