Quy định cụ thể việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là bảo đảm quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước của công dân. Điều này góp phần vào việc bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch của hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cụ thể việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thay vì giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Có bảo đảm tính khả thi?
Một trong những nguyên tắc của việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm nguyên tác dân chủ, công khai, minh bạch. Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự thảo Luật quy định “Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất”. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, quy định mang tính nguyên tắc này khó bảo đảm được tính khả thi. GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đặt vấn đề, liệu nguyên tắc này có làm được không, vì số thửa đất rất nhiều, có ôm đồm hết sự tự chủ của các cấp địa phương không?
Trên cơ sở nguyên tắc này, dự thảo Luật quy định “danh mục các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư; công trình ngầm, công trình trên không mà không có cùng mục đích với mục đích sử dụng đất tầng bề mặt; diện tích đất để đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án thu hồi đất trong năm, dự án tái định cư, đất sản xuất dự kiến bồi thường cho người có đất thu hồi và phải được xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này của dự thảo Luật sẽ khó bảo đảm tính khả thi, nhất là đối với các công trình theo tuyến. Bởi, kế hoạch sử dụng đất được lập cho thời kỳ 10 năm mang tính chất định hướng, chưa xác định rõ mục đích cụ thể tại thời điểm lập kế hoạch. Nếu dự thảo Luật quy định quy hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất sẽ dẫn đến khi quy hoạch xây dựng được điều chỉnh sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì mới có căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Mặt khác, yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải định rõ ranh giới, vị trí, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính sẽ rất phức tạp, tốn kém. Trong khi kế hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của các ngành đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính. Do đó, việc yêu cầu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất là không cần thiết.
Lấy ý kiến phải thực chất
Lấy ý kiến nhân dân, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chính là cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 18. Nếu thực hiện tốt, vấn đề này sẽ khắc phục được những hạn chế, tiêu cực trong thời gian qua. Dẫn kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) chỉ ra một thực tế, còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú, năm cao nhất chỉ có 20% số người được hỏi biết đến thông tin này. Trong khi đó, năm thấp nhất tỷ lệ này chưa đến 12% số người được hỏi trả lời là biết thông tin trên. Tỷ lệ số người được hỏi cho biết đã có dịp tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú còn quá thấp. Năm cao nhất cũng chỉ có 7% số người được hỏi cho biết họ đã từng đóng góp ý kiến, năm thấp nhất tỷ lệ này là 2,8%.
Thực tế đáng buồn này cần được khắc phục khi sửa đổi Luật Đất đai lần này. Để bảo đảm sự dân chủ, công khai, minh bạch, dự thảo Luật đã dành 1 điều để quy định việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, dự thảo Luật quy định về Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm lấy ý kiến các đối tượng có liên quan. Dự thảo Luật cũng quy định thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện đều là 30 ngày kể từ ngày công khai thông tin về nội dung lấy ý kiến. Dự thảo Luật quy định: “Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
Lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là bảo đảm quyền tham gia vào các công việc Nhà nước của công dân. Nhấn mạnh điều này, GS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân góp phần vào việc bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch của hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cho rằng, các quy định lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã cụ thể hơn so với quy định của Luật Đất đai hiện hành, song theo ông Nghị, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra: ai là người được lấy kiến? Người dân nói chung hay người đại điện cho dân? Ai là người đại diện cho dân? Người dân là người chịu sự tác động trực tiếp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Vai trò của các chuyên gia như thế nào trong quá trình lấy ý kiến nhân dân? Ngoài hai hình thức lấy ý kiến như trong dự thảo Luật thì còn hình thức nào nữa không? Nếu tổ chức hội nghị thì cách thức chuẩn bị, nêu vấn đề, tổ chức thảo luận, góp ý kiến, tập hợp ý kiến như thế nào để hội nghị có chất lượng, không mang tính thủ tục thuần túy. Bao nhiêu % người được hỏi tán thành thì cần đưa vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Trong trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến không giải trình thì có phải chịu trách nhiệm gì không? Đặt ra hàng loạt vấn đề còn băn khoăn này, ông Nghị cho rằng, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà cần quy định cụ thể điều này trong dự thảo Luật.