Quy định của pháp luật về hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con
Bạn đọc hỏi: Tôi và chồng ly dị tháng 9-2019 theo bản án của Tòa án. Chúng tôi có 2 con chung, một cháu sinh năm 2009, một cháu sinh năm 2012. Khi ly hôn, tôi là người nuôi dưỡng, chăm sóc cả 2 con chung và theo quyết định của Tòa án thì mỗi tháng chồng cũ tôi phải chuyển cho 5 triệu đồng để nuôi con chung. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chồng cũ không chuyển cho tôi một đồng nào. Tôi cũng đã làm đơn đề nghị cơ quan chồng cũ tôi giúp đỡ, có biện pháp yêu cầu chồng cũ tôi thực hiện nghĩa vụ làm cha nhưng không kết quả. Xin nói thêm là thu nhập của chồng cũ tôi rất cao, gần 30 triệu đồng/tháng. Gần đây, tôi cũng đã có đơn đề nghị cơ quan thi hành án buộc chồng cũ tôi phải thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của Tòa án. Theo thông báo của cơ quan thi hành án thì cơ quan này đã ra thông báo nhưng chưa liên hệ được với chồng cũ của tôi. Xin luật sư chỉ giúp tôi, tôi phải làm gì để chồng cũ tôi thực hiện nghĩa vụ nuôi con chung? Cơ quan thi hành án sẽ làm gì và làm như thế nào để buộc chồng cũ tôi phải thực hiện nghĩa vụ? Lê Nguyệt Minh (Hà Nội)
Luật sư trả lời:
Đối với trường hợp của bạn, theo quy định của pháp luật về trách nhiệm cấp dưỡng của cha mẹ sau khi ly hôn được quy định tại Điều 110 - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể là: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Cũng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 tại khoản 1 Điều 21, người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con cho đến khi con trưởng thành. Về mức cấp dưỡng theo quyết định của tòa án thì chồng cũ của bạn phải cấp dưỡng nuôi con 5 triệu đồng/tháng và hiện tại mức thu nhập của chồng cũ bạn là gần 30 triệu đồng/tháng. Trường hợp nếu bạn cho rằng và thấy cần thiết phải tăng mức cấp dưỡng cho các con bạn thì bạn có thể thỏa thuận với chồng cũ hoặc yêu cầu tòa án giải quyết về thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại Điều 116 - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của chồng/vợ (sau ly hôn) được quy định tại khoản 2, Điều 82 - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Theo đó, sau khi ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trường hợp chồng cũ bạn không tự nguyện thực hiện cấp dưỡng theo nội dung quyết định của Tòa án thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan thi hành án đã thực hiện mà chồng cũ bạn có điều kiện thi hành vẫn không chấp hành thực hiện thì cơ quan thi hành sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật. Nếu chồng cũ bạn cố tình từ chối không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì ngoài việc bạn yêu cầu cơ quan thi hành án, bạn cũng có thể làm đơn gửi đến chính quyền địa phương xem xét xử lý hành chính về hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, theo quy định tại Điều 57 - Nghị định 144/2021/ND-CP.
Cụ thể là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Ngoài bị xử phạt hành chính bằng tiền thì người vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng còn buộc phải khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng, tương ứng với toàn bộ số tiền trong khoảng thời gian mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng chưa thực hiện. Ngoài ra, nếu chồng cũ bạn đã bị xử lý hành chính mà không chấp hành án thì sẽ bị lý hình sự theo quy định tại Điều 186 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bởi khoản 37, Điều 1 - Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017. Theo đó, điều luật này quy định: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Hoặc cơ quan thi hành án yêu cầu thực hiện mà không chấp hành thì sẽ bị xử lý theo Điều 380. Tội không chấp hành án - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.