Quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ Lữ hành và Lưu trú Du lịch
Thực hiện Quyết định số 3564/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Pháp chế đã biên soạn tài liệu cung cấp thông tin pháp luật, chính sách của ngành liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Dưới đây là thông tin đã được Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL đăng tải các câu hỏi – đáp quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ Lữ hành và Lưu trú Du lịch.
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH VÀ LƯU TRÚ DU LỊCH
Phần 1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành
Câu hỏi 1: Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành gồm những hoạt động nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 30 Luật Du lịch, phạm vi kinh doanh dich vụ lữ hành bao gồm:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Câu hỏi 2: Muốn tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cần đáp ứng các điều kiện gì?
Trả lời:Theo quy định tại khoản 1Điều 31 Luật Du lịch, Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, các điều kiện đó là:
(1) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
(2) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng: Mức ký quỹ là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
(3) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Câu hỏi 3: Muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cần đáp ứng điều kiện gì?
Trả lời:Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
(1) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
(2) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
(3) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Câu hỏi 4: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc té là bao nhiêu?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, mức ký quỹ đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như sau:
a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.
Câu hỏi 5: Việc thực hiện ký quỹ đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, việc ký quỹ được thực hiện như sau:
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ. Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng.
- Hợp đồng ký quỹ có các nội dung chính gồm: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; lý do nộp tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; trả lãi tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với quy định tại Nghị định này.
- Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.
Câu hỏi 6: Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục ký quỹ theo mức quy định tại Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tuy nhiên, mức ký quỹ này chỉ thực hiện đến 31/12/2023. Kể từ ngày 01/01/2024, doanh nghiệp phải thực hiện quy định như thế nào về tiền ký quỹ đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành?
Trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành:
Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP được thực hiện đến hết ngày 31/12/2023. Mức ký quỹ thực hiện từ 01/01/2024: theo khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: Trách nhiệm của doanh nghiệp: Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức quy định tại Nghị định số 94/2021/NĐ-CP phải thực hiện đổi Giấy chứng nhận ký quỹ theo mức quy định tại khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.
1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng."
Câu hỏi 7: Pháp luật quy định như thế nào về việc quản lý, sử dụng tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành?
Trả lời: Điều 16 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch quy định về quản lý, sử dụng tiền ký quỹ cụ thể như sau:
- Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền được rút khỏi tài khoản tiền ký quỹ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm bổ sung số tiền ký quỹ đã sử dụng để bảo đảm mức ký quỹ theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện, ngân hàng gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp phép để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hoàn trả tiền ký quỹ đến ngân hàng trong những trường hợp sau đây:
Có thông báo bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc thay đổi ngân hàng nhận ký quỹ;
Có văn bản của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Câu hỏi 8: Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định cụ thể như thế nào?
Trả lời:Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL quy định:
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Câu hỏi 9: Theo quy định của pháp luật, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hay quốc tế đều phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa (đối với lữ hành nội địa), chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế (đối với lữ hành quốc tế). Vậy chuyên ngành về lữ hành được quy định cụ thể như thế nào? Chứng chỉ điều hành du lịch quốc tế hoặc du lịch nội địa được quy định như thế nào?
Trả lời: Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL quy định:
- Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau:
a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
b) Quản trị lữ hành;
c) Điều hành tour du lịch;
d) Marketing du lịch;
đ) Du lịch;
e) Du lịch lữ hành;
g) Quản lý và kinh doanh du lịch;
h) Quản trị du lịch MICE;
i) Đại lý lữ hành;
k) Hướng dẫn du lịch;
l) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ "du lịch", "lữ hành', "hướng dẫn du lịch" do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;
m) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ "du lịch", "lữ hành", "hướng dẫn du lịch" do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ "du lịch", "lữ hành", "hướng dẫn du lịch.
- Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
- Chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa hoặc du lịch quốc tế: do cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức thi, cấp. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi kết quả thi về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và cập nhật danh sách thí sinh được cấp chứng chỉ lên trang thông tin điện tử về quản lý lữ hành trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ thi.
Câu hỏi 10: Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa?
Trả lời:Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định tại Điều 32 Luật Du lịch,Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL.
Cụ thể như sau:
- Đối tượng được cấp: doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh.
- Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
đ) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu hỏi 11: Pháp luật quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như thế nào?
Trả lời: Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định tại Điều 33 Luật Du lịch,Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, cụ thể như sau:
- Hồ sơ:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
đ) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Du lịch quốc gia Việt Nam;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu hỏi 12: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) được cấp lại trong trường hợp nào? Trình tự, thủ tục cấp lại được quy định ở văn bản nào và cụ thể như thế nào?
Trả lời: Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) được quy định tại Điều 34 Luật Du lịch, Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL.
Cụ thể như sau:
- Trường hợp để nghị cấp lại: giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bị mất hoặc bị hư hỏng.
- Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp gửi đơn đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mẫu đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc đến Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế);
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Trong trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thực hiện thông báo với cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Câu hỏi 13: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) được cấp đổi trong trường hợp nào? Trình tự, thủ tục cấp đổi được quy định ở văn bản nào và cụ thể như thế nào?
Trả lời: Cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) được quy định tại Điều 35 Luật Du lịch, Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL.
- Trường hợp cấp đổi:
a) Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
b) Thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
- Hồ sơ đề nghị cấp đổi:
a) Đơn đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp;
c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thay đổi thứ nhất; giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phù hợp với phạm vi kinh doanh trong trường hợp thứ hai.
- Trình tự, thủ tục cấp đổi:
a) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc đến Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế);
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Trong trường hợp cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thực hiện thông báo với cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Câu hỏi 14: Thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) trong trường hợp nào? Khi bị thu hồi Giấy phép kinh doanh thì hậu quả pháp lý như thế nào?
Trả lời: Trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế), hậu quả pháp lý được quy định tại Điều 36 Luật Du lịch.
- Trường hợp thu hồi:
a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
b) Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;
c) Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;
d) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
đ) Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
e) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
g) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
h) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Hậu quả pháp lý: Theo quy định tại Điều 36 Luật Du lịch, Điều 7 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL, việc thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) không phải trong trường hợp chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản được thực hiện như sau:
Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành do không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định hoặc không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 06 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.
Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp
d) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
đ) Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
e) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
g) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
h) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.
Câu hỏi 15: Theo quy định của pháp luật, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) như thế nào?
Trả lời:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế) ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; quyết định thu hồi giấy phép được gửi đến doanh nghiệp, cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế) và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép, doanh nghiệp gửi báo cáo về việc hoàn thành nghĩa vụ với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch theo hợp đồng đã ký kèm theo giấy phép đã được cấp đến cơ quan cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế). Sau 30 ngày, kể từ ngày đăng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế) và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trường hợp không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép có văn bản gửi ngân hàng để doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ; trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật;
- Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) trong trường hợp chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản được quy định riêng tại Điều 6 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL.
Câu hỏi 16: Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế) trong trường hợp chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Điều 36 Luật Du lịch, Điều 6 và các biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL quy định:
- Hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:
a) Trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành, hồ sơ gồm: thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp;
b) Trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc bị giải thể, hồ sơ gồm: thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp; Quyết định giải thể, biên bản họp của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 201 của Luật Doanh nghiệp; Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định giải thể của Tòa án trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 201 của Luật Doanh nghiệp;
c) Trường hợp doanh nghiệp phá sản, hồ sơ gồm: quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản
- Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành:
a) Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế);
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế) ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Quyết định thu hồi giấy phép được gửi đến doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế) và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
c) Sau 30 ngày, kể từ ngày đăng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa) hoặc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (đối với Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế) và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trường hợp không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép có văn bản gửi ngân hàng để doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ; trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật;
Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, tiền ký quỹ do tòa án quyết định theo quy định của pháp luật về phá sản.
Câu hỏi 17: Hợp đồng lữ hành là gì? Pháp luật quy định về hợp đồng lữ hành như thế nào?
Trả lời:Theo Điều 39 Luật Du lịch:
- Hợp đồng lữ hành là sự thỏa thuận việc thực hiện chương trình du lịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch.
- Hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản.
- Hợp đồng lữ hành phải có các nội dung sau đây:
a) Mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch;
b) Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;
c) Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng;
d) Điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng;
đ) Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.
Câu hỏi 18: Kinh doanh đại lý lữ hành được quy định tại văn bản nào? Hợp đồng đại lý lữ hành có những yêu cầu cụ thể gì?
Trả lời: Kinh doanh đại lý lữ hành được quy định tại Điều 41, 42, 43 Luật Du lịch, theo đó:
- Hợp đồng đại lý lữ hành phải được lập thành văn bản giữa bên giao đại lý là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và bên nhận đại lý là tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý lữ hành.
- Hợp đồng đại lý lữ hành phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của bên giao đại lý và bên nhận đại lý;
b) Chương trình du lịch, giá bán chương trình du lịch được giao cho đại lý, mức hoa hồng đại lý, thời điểm thanh toán;
c) Quyền và trách nhiệm của các bên;
d) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý.
Câu hỏi 19: Quy định của pháp luật về nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành như thế nào?
Trả lời:
- Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành, nghề kinh doanh hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (chưa được tiếp cận thị trường trừ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam).
- Theo quy định tại Điều 38 Luật Du lịch, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định giống với các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành có các quyền và nghĩa vụ tương tự như các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong nước kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tê phục vụ khách dụ lịch quốc tế đến Việt Nam (theo khoản 2 Điều 37 của Luật Du lịch).
Câu hỏi 20: Pháp luật quy định về văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài như thế nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 44 Luật Du lịch:
- Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
- Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.
Phần 2. Kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
Câu hỏi 1: Pháp luật quy định có các loại cơ sở lưu trú du lịch nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 48 Luật Du lịch, Điều 21 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, các loại cơ sở lưu trú du lịch gồm:
(1) Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm:
a) Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
b) Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
c) Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
d) Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
(2) Biệt thự du lịch: Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú..
(3) Căn hộ du lịch: Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú..
(4) Tàu thủy lưu trú du lịch: Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch..
(5) Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch..
(6) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.
(7) Bãi cắm trại du lịch: Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.
(8) Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Câu hỏi 2: Điều kiện kinh doanh đối với khách sạn là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 22 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh khách sạn gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.
- Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.
- Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
Câu hỏi 3: Điều kiện kinh doanh đối với biệt thự du lịch là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 23 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh biệt thự du lịch gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
- Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.
Câu hỏi 4: Điều kiện kinh doanh đối với căn hộ du lịch là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 24 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh căn hộ du lịch gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.
Câu hỏi 5: Điều kiện kinh doanh đối với tàu thủy lưu trú du lịch là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 25 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh đối với tàu thủy lưu trú du lịch gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ (cabin), phòng tắm, phòng vệ sinh, bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống.
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
Câu hỏi 6: Điều kiện kinh doanh đối với nhà nghỉ du lịch là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 26 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh nhà nghỉ du lịch gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh.
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
Câu hỏi 7: Điều kiện kinh doanh đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 27 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh.
- Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
Câu hỏi 8: Điều kiện kinh doanh đối với bãi cắm trại du lịch là gì?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch; Điều 28 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều kiện kinh doanh bãi cắm trại du lịch gồm:
(1) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
(3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch:
- Có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, phòng tắm, vệ sinh chung
- Có tủ thuốc cấp cứu ban đầu
- Có nhân viên bảo vệ trực khi có khách.
Câu hỏi 9: Pháp luật quy định như thế nào về việc kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP:
- Trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch về những nội dung sau:
a) Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch;
b) Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;
c) Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật Du lịch và Nghị định này.
- Căn cứ kế hoạch công tác được phê duyệt hoặc trong trường hợp đột xuất theo quy định của pháp luật, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công tác kiểm tra, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả kiểm tra đến cơ sở lưu trú du lịch.
Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch.
- Trong trường hợp cơ sở lưu trú nộp hồ sơ đề nghị xếp hạng cùng thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch kết hợp kiểm tra điều kiện tối thiểu và thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Câu hỏi 10: Pháp luật quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch như thế nào?
Trả lời:Theo quy định tại Điều 50, 51, 52 Luật Du lịch:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao.
- Thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:
a) Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao;
b) Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao.
- Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:
a) Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
c) Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
d) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
- Trình tự, thủ tục công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch thẩm định và ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; trường hợp không công nhận, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 05 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nhu cầu đăng ký xếp hạng lại cơ sở lưu trú du lịch (thực hiện theo quy định về xếp hạng).
- Phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được gắn ở khu vực cửa chính của cơ sở lưu trú du lịch.
- Công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng:
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc.
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.
- Thu hồi quyết định công nhận hạng: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch thu hồi quyết định công nhận hạng đối với cơ sở lưu trú du lịch không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận.
- Thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch: Khi có sự thay đổi về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định lại để công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo quy định về công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.