Quy định của pháp luật về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý?

Bạn đọc Trịnh Minh Đức ở xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết quy định của pháp luật về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý?

Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể như sau:

Công dân Việt Nam là viên chức của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt;

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên;

3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

Bạn đọc Tô Nguyễn Anh Thư ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội hỏi: Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế gồm:

1. Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

2. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.

3. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.

4. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.

5. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

6. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.

7. Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

8. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-tieu-chuan-tro-giup-vien-phap-ly-651045