Quy định của pháp luật về xử lý hoạt động bói toán gây mất an ninh trật tự?
Bạn đọc hỏi: Dịp năm mới, nhu cầu đến các đền chùa để xin xăm, xem bói diễn ra phổ biến, nhiều nơi gây mất an ninh trật tự công cộng. Vậy hành vi này có bị xử lý theo quy định của pháp luật không? Nguyễn Thu Hương (Hà Đông, Hà Nội)
Luật sư Vũ Quang Vượng trả lời:
Tại điểm a, khoản 2, Điều 15 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này”.
Ngoài ra, hành vi lợi dụng xin xăm, xem bói để trục lợi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 BLHS về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
“1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Tuy nhiên, quy định trên chỉ quy định xử lý đối với người thực hiện hành vi lợi dụng xin xăm, xem bói để trục lợi. Còn người đi xin xăm, xem bói không bị xử lý theo các quy định trên. Trường hợp những người này đi xin xăm, xem bói mà gây mất trật tự an ninh công cộng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 BLHS với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù./.