Quy định độ tuổi sử dụng mạng xã hội cho trẻ - việc cần làm
Mạng xã hội luôn có tính 2 mặt, tốt và xấu, nên cũng có sự tác động đa chiều đối với người dùng. Trong đó, đáng chú ý đối với đối tượng trẻ em nếu không có những biện pháp ngăn chặn, thì cái xấu rất dễ xâm lấn và dẫn đến những hệ quả khó lường...
Các trang mạng xã hội như YouTube luôn thu hút sự tò mò, thích thú của lượng lớn các em nhỏ.
Theo Luật Trẻ em quy định tại Điều 1: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”, là cơ sở pháp lý để xác định độ tuổi của trẻ em. Tuy vậy, Luật Trẻ em và các văn bản liên quan lại chưa có quy định nào về độ tuổi nào thì trẻ được phép tham gia mạng xã hội. Theo đó, thực tế đã có trẻ từ 4 - 5 tuổi đã tham gia sử dụng mạng xã hội, phổ biến nhất là sử dụng YouTube nên đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng khi các em tập làm theo những hướng dẫn trên mạng xã hội. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến như sự việc bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong vì học theo trò chơi treo cổ trên YouTube hay vụ việc 4 em nhỏ học nướng cóc ăn bị ngộ độc cũng trên YouTube... Không chỉ tập làm theo, cũng có không ít trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, kích động bạo lực hay nghiện xem phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng xã hội...
Là một trong nhiều phụ huynh phải chấp nhận một sự thật rằng để phục vụ việc học hành, giải trí trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 buộc phải để các con sử dụng máy tính kết nối Internet hoặc dùng điện thoại thông minh, chị Bùi Thị Hiền (TP Thanh Hóa), trăn trở: “Với việc bố, mẹ bận làm việc, không thể quản lý, giám sát việc học trực tuyến của các con nên không ít trẻ đã tranh thủ vào các trang mạng xã hội để xem các video nhảm nhí, độc hại, lời lẽ không trong sáng, thiếu tính giáo dục... Ví như con tôi 8 tuổi chỉ cần bố, mẹ lơ là do bận việc là sẽ kích ngay vào YouTube để xem “Khá bảnh” hay một số kênh của giang hồ mạng...”.
Vốn dĩ mạng xã hội luôn được ví như một “nồi lẩu thập cẩm” với những món ăn hỗn tạp, mà phổ biến, nguy hiểm nhất hiện nay chính là các loại “rác” độc, được hiểu là những thông tin, video xấu, độc có tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, mối đe dọa đến tư tưởng con người... Những loại rác này, sẽ rất dễ bắt gặp trên nền tảng YouTube, facebook với các livestream của các giang hồ mạng khoe mẽ bản thân, giảng dạy đạo lý làm người kèm những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa trên không gian mạng... Thậm chí, nguy hiểm hơn trong những loại “rác” độc, xếp ở hàng đầu phải kể đến những sản phẩm tin tức, video clip cắt, ghép được tung ra bởi các thế lực thù địch, cơ hội chính trị bôi nhọ, nói xấu đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Nếu cứ để những sản phẩm độc, hại này ăn sâu trong tiềm thức của trẻ nhỏ thì hệ quả đối với công tác giáo dục cho trẻ sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
Trước tính cấp bách của việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, vấn đề này đã được nhiều ĐBQH đặt ra trong phiên chất vấn. Trước các câu hỏi của đại biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu ra các giải pháp, trong đó có dự kiến xây dựng một văn bản pháp quy để quy định về độ tuổi được phép tham gia mạng xã hội của trẻ em, tuy vậy đến nay văn bản pháp quy này vẫn chưa được ra đời.
Theo thống kê, cả nước có khoảng hơn 65 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn đã cho thấy phương tiện truyền thông mới này trở thành một kênh thông tin quan trọng. Vì vậy, quá trình sử dụng, việc tiếp xúc với những clip độc hại, phản cảm, tin giả, tin sai sự thật... là không ít. Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số hơn 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Do vậy, đã đến lúc cần có quy định về độ tuổi tối thiểu cho người sử dụng mạng xã hội. Thực tế, về độ tuổi, tại một số quốc gia, các mạng xã hội lớn đã quy định người dùng bắt đầu mở tài khoản là 13 tuổi ví như Google hay Twitter, Whatsapp...
Tại Điều 54, Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nêu rõ các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Kế đến, ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; đồng thời duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó, Bộ Quy tắc bao gồm các quy tắc chung và quy tắc riêng áp dụng cho từng nhóm đối tượng trên không gian mạng.
Như vậy, về mặt quy định pháp luật để từng bước bảo vệ trẻ trên không gian mạng đã có. Thế nhưng, vấn đề đặt ra nếu cứ để trẻ sử dụng mạng xã hội một cách “vô thức”, tùy tiện sẽ vẫn dẫn đến những rủi ro, tác động xấu đến nhận thức và sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cũng rất cần những quy định cụ thể của pháp luật về độ tuổi tối thiểu sử dụng mạng xã hội và cùng với đó việc kiểm tra, giám sát, xử lý thật nghiêm những trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin độc hại trên mạng xã hội để góp phần “dọn sạch” không gian mạng, giúp trẻ trở thành những công dân số hữu ích trong tương lai là việc nên làm...