Quy định dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam: Còn trùng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ quan hải quan

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đang được trình Quốc hội xem xét, có nhiều điểm được cho rằng trùng chéo với Luật Hải quan năm 2014, không phù hợp với cam kết quốc tế, sẽ ảnh hưởng đến tạo thuận lợi thương mại quốc tế.

Lực lượng hải quan chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ lô hàng nghi ngà voi tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Sơn

Lực lượng hải quan chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ lô hàng nghi ngà voi tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Sơn

Xung quanh vấn đề này, TS. Vũ Duy Nguyên - Phó trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, Tổng cục Hải quan đã có văn bản góp ý một số nội dung của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đang gây trùng chéo với Luật Hải quan năm 2014, nhất là trong việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải qua lại biên giới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- TS. Vũ Duy Nguyên: Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đang được Quốc hội kỳ họp thứ 10 xem xét, trong đó có một số quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng đang trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan.

TS. Vũ Duy Nguyên

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Việc quy định như dự thảo có phạm vi rất rộng, chưa rõ ràng. Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an...

Trong khi đó, Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan năm 2014 quy định, trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan được Luật Hải quan năm 2014 quy định trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì thông báo ngay và phối hợp với cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

* PV: Có ý kiến cho rằng, quy định biên phòng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải qua lại biên giới dễ trùng chéo với việc thực thi pháp luật của cơ quan hải quan trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan theo Luật Hải quan năm 2014. Ông có bình luận gì về việc này?

- TS Vũ Duy Nguyên: Tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật Biên phòng quy định nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật.

Quy định này không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát xuất nhập cảnh, được hiểu là kiểm soát cả người và phương tiện xuất nhập cảnh dẫn đến quy định về quyền hạn của Bộ đội biên phòng được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm ở khu vực cửa khẩu (thuộc địa bàn hoạt động hải quan).

Thực tiễn Bộ Quốc phòng đã bỏ quy định về kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu khi ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Chính phủ đã có Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP chỉ đạo Bộ Quốc phòng nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh Bộ đội biên phòng về thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát phương tiện.

Quy định này chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan năm 2014. Theo đó, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát toàn bộ phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất độc, chất nổ, tài liệu phản động,.. đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng theo nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao tại Luật Hải quan.

Hơn nữa, quy định nêu trên trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đang thực hiện tốt theo quy định của Luật Hải quan năm 2014. Điều này làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thời gian thông quan và phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp (vì hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, lệ phí đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh và quá cảnh). Nếu không quy định rõ thì có thể phát sinh trường hợp cơ quan hải quan đã cho phép thông quan phương tiện xuất, nhập cảnh và quá cảnh nhưng biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan.

* PV: Để đảm bảo sự phối hợp giữa lực lượng hải quan và biên phòng cùng thực thi nhiệm vụ chung, ông có đề xuất nào cho vấn đề này?

- TS. Vũ Duy Nguyên: Theo tôi, cần phân định rõ vai trò chức năng hải quan và biên phòng. Để tháo gỡ vướng mắc trùng chéo có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế, pháp luật hải quan; đảm bảo tính thống nhất, tính minh bạch trong quy định pháp luật (không đa nghĩa); phù hợp định hướng cải cách bộ máy, thủ tục hành chính mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra, cần điều chỉnh khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật Biên phòng.

Thực tiễn tất cả các nước trên thế giới cho thấy, cơ quan hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 14 dự thảo luật quy định: “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”, vì vậy, cần chỉnh sửa và xác định rõ đối tượng trong địa bàn cửa khẩu: “Kiểm soát người xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật”.

Nội dung này cũng sẽ phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019: “Kiểm soát xuất nhập cảnh là việc kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này”; khoản 6 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định: “Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh là đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu”. Theo đó, hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh chỉ áp dụng với “người”.

Tại khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật Biên phòng quy định: “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Hiện tại thì phạm vi “Cửa khẩu” đã quy định trách nhiệm của cơ quan Hải quan theo Luật Hải quan 2014. Vì thế nên sửa quy định này thành: “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, bỏ chữ cửa khẩu để tránh trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan (vì theo Luật Hải quan 2014, khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan) mà vẫn đảm bảo được nhiệm vụ, quyền hạn của biên phòng ở khu vực biên giới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hai cơ quan cùng thực hiện 1 nhiệm vụ là không phù hợp

Trường hợp hải quan và biên phòng cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 1 phương tiện xuất nhập cảnh là không phù hợp với chủ trương của Đảng, các cam kết quốc tế và các quy định pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải.

Đồng thời, cũng không phù hợp với các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia: Chuẩn mực 6.1 Chương 6 Công ước Kyoto sửa đổi 1999 về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan (Việt Nam là thành viên của công ước) quy định “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan”. Việt Nam cam kết và thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization Trade Facilitation Agreement - TFA) từ ngày 14/7/2014.

Song Linh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-11-11/quy-dinh-du-thao-luat-bien-phong-viet-nam-con-trung-cheo-chuc-nang-nhiem-vu-voi-co-quan-hai-quan-95003.aspx