Quy định giao thông kỳ lạ: Cấm cởi trần khi lái xe, để xe hết xăng là phạt tiền
Ngoài những quy định chung như cấm uống rượu lái xe, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... nhiều quốc gia ban hành những điều luật giao thông khá kỳ lạ như cấm cởi trần khi lái xe, để xe hết xăng trên cao tốc là bị phạt tiền...
Australia - Phải khóa xe
Ở một số bang của Úc, ví dụ như New South Wales, luật giao thông quy định người lái xe ô tô phải khóa xe ngay sau khi rời khỏi xe, kể cả khi họ chỉ định đi lang thang cách đó hơn 3m.
Luật quy định các cửa sổ xe phải đóng kín, không được mở hé quá 2cm. Tuy nhiên, luật này cũng dành ngoại lệ cho các dòng xe mui trần.
Bahrain - Phạm luật giao thông vào tù dễ như chơi
Với một quốc gia có luật lệ nghiêm khắc như Bahrain, rất nhiều hành vi vi phạm luật giao thông sẽ bị kết án tù. Đơn cử như lỗi vượt đèn đỏ cũng có nguy cơ ngồi tù tới sáu tháng và bị phạt 500 dinar (30,7 triệu đồng VN) hoặc vượt đèn đỏ mà đâm vào xe khác thì có thể nhận án phạt tù 1 năm kèm theo mức tiền phạt tới 3000 dinar (183 triệu đồng).
Trung Quốc - Bốc thăm may mắn để được lái xe
Trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra biện pháp giới hạn doanh số bán ô tô mới theo loại nhiên liệu sử dụng.
Vào năm 2019, Sở Giao thông vận tải Bắc Kinh đã cấp phép cho 60.000 phương tiện sử dụng loại năng lượng mới (chủ yếu là ô tô điện) và 40.000 phương tiện chạy bằng xăng dầu. Người lái xe ô tô sẽ tham gia quay số để nhận quyền mua xe, tỷ lệ trúng chỉ khoảng 1/500.
Đảo Síp - Ăn trước khi lái xe
Tại đảo Síp, lái xe bị cấm ăn uống khi ngồi sau tay lái. Theo luật, người lái xe luôn phải đặt cả 2 tay trên vô lăng. Giống như các quốc gia Scandinavia khác, đảo Síp yêu cầu tài xế luôn bật đèn pha.
Pháp - Tài xế phải mang theo máy đo hơi thở, xe không cần bằng lái
Từ năm 2013, các tài xế tại Pháp phải mang theo máy đo hơi thở riêng khi tham gia giao thông. Những người không chấp hành sẽ bị phạt số tiền khoảng 11 Euro (300 nghìn). Cảnh sát Pháp sẽ sử dụng chính những máy đo này để đo nồng độ cồn của tài xế.
Tuy nhiên, điểm thú vị là tại Pháp có những chiếc xe cỡ nhỏ sử dụng không cần bằng lái, miễn là những chiếc ô tô này có công suất thấp hơn 8 mã lực và vận tốc không vượt quá 45 km/h. Giá của chúng cũng không rẻ, vào khoảng 11.000-14.000 Euro (300-385 triệu).
Đức: Xe hết xăng bị phạt tiền
Nước Đức nổi tiếng thế giới với hệ thống đường cao tốc AutoBahn không giới hạn tốc độ. Tuy nhiên, nếu dừng xe lại trên đường cao tốc này vì lý do hết xăng, bạn sẽ bị cảnh sát Đức phạt 70 Euro (1,9 triệu).
Theo nhà chức trách giải thích, việc dừng xe trên AutoBahn rất nguy hiểm và việc đổ xăng đầy bình là hoàn toàn có thể chủ động trước.
Nhật Bản: Lái xe không được làm bắn nước, đi cùng người say cũng bị phạt
Luật giao thông Nhật Bản quy định phương tiện giao thông tại quốc gia này bắt buộc phải có chắn bùn. Đồng thời, chủ phương tiện có trách nhiệm đi thật chậm qua các vũng nước đọng để không làm bắn nước vào những người đi bộ.
Về lỗi uống rượu bia khi điều khiển xe, ngoài các hình thức phạt rất nặng cho tài xế, ngay cả hành khách ngồi chung cũng có thể bị phạt tù tới 3 năm và chịu mức tiền phạt tới 500 nghìn Yên (110 triệu).
Mông Cổ: Giao thông hỗn loạn vì chuyện vô lăng
Mông Cổ là nước có quy tắc giao thông lái xe ở bên phải giống như ở Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế nhập khẩu dễ dãi cho phép người dân nước này được sử dụng cả những chiếc ô tô có vô lăng bên phải vốn chỉ dùng ở các quốc gia lái xe bên trái như tại Anh. Chỉ riêng ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông cổ, có tới 55% ô tô có vô lăng phải. Sự kết hợp phải-trái, trái-phải lẫn lộn tại quốc gia này đang khiến giao thông rối như canh hẹ.
Nam Phi: Xe hỏng phải ngồi yên
Do tình hình an ninh phức tạp tại Nam Phi, chính quyền ở một số khu vực khuyến cáo những người tài xế không nên tự ra ngoài sửa chữa khi xe bị hỏng. Việc ngồi yên trong xe và gọi cứu hộ sẽ an toàn hơn là đi lang thang bên lề đường để bị cướp, bị đánh hoặc cả hai.
Nga: Giữ sạch biển số xe
Đã có nhiều lời đồn đại về việc lái một chiếc xe bẩn, đầy bùn đất ở Nga cũng bị phạt tiền. Thực chất đây là lời đồn thiếu chính xác. Ô tô ở Nga khi lưu thông trên đường có thể bẩn thế nào cũng được nhưng riêng biển số phải sạch sẽ để phục vụ cho công tác nhận diện. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nắm rõ luật này nên một số đài phát thanh phải thực hiện cả một chiến dịch tuyên truyền.
Thụy Sĩ: Không được tự rửa xe ở nhà
Ở Thụy Sĩ, việc tự rửa xe ô tô ở nhà để tiết kiệm tiền cũng là phạm pháp.
Chính phủ nước này cho biết, các chất thải khi rửa xe sẽ làm ô nhiễm hệ thống cống rãnh tại đây. Nếu muốn rửa xe, công dân Thụy Sĩ không còn cách nào khác là phải đến tiệm rửa xe, nơi sử dụng các thiết bị, hóa chất làm sạch đã được chính phủ cho phép.
Thái Lan: Không được phép lái xe khi cởi trần
Dù là nước có khí hậu nhiệt đới nhưng luật pháp Thái Lan không cho phép hành vi cởi trần khi đi ra đường. Không mặc áo khi đi ô tô, xe máy và thậm chí là đi xe đạp cũng là vi phạm pháp luật.
Vào năm 2014, chính quyền Thái Lan đã cảnh báo những khách du lịch thích tắm nắng rằng luật này cũng áp dụng cho họ, đồng thời tuyên truyền hành vi cởi trần là bất hợp pháp và bất lịch sự.
Mỹ: Không cần đăng kiểm xe, được ngồi thùng sau xe bán tải
Đăng kiểm ô tô là thủ tục do các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng xe xem có đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật hay mức độ khí thải hay không. Tuy nhiên tại Mỹ có một số bang như Minnesota, Montana, Michigan, Mississippi...không đòi hỏi phải thực hiện thủ tục này trừ trường hợp hãn hữu. Ví dụ: tại Michigan những chiếc xe nào mới sửa chữa, đại tu mới cần kiểm định.
Còn tại bang Haiwaii, người dân được phép ngồi trên thùng sau của xe bán tải. Với điều kiện, khoang lái đã kín chỗ và những người ngồi thùng sau xe phải đủ 12 tuổi trở lên. Dù vậy, ngay chính tại Haiwaii điều luật này cũng gây ra tranh cãi. Một số người phản ánh việc ngồi trên thùng sau xe gây mất an toàn giao thông, trong khi số còn lại cho rằng việc này không có gì nguy hiểm, hơn nữa đây còn là văn hóa truyền thống của bang Haiwaii.
Ngân Vũ (Autocar)
Trân trọng mời bạn đọc gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!