Quy định khi lưu thông cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Mai Sơn-Quốc lộ 45
Bộ GTVT cho phép phương tiện lưu thông trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 với vận tốc tối đa 80km/h, còn Phan Thiết - Dầu Giây được lưu thông vận tốc tối đa 120km/h.
Ngày mai (29-4), Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận tổ chức khánh thành và thông xe hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020) theo hình thức trực tuyến.
Điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận và điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Các quy định lưu thông trên cao tốc
Bộ GTVT cho biết, đối với đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối quốc lộ 45 và quốc lộ 47.
Tuy nhiên, để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các nút giao trên tuyến trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau:
Theo hướng Bắc - Nam, xe tải trên 10 tấn không được lưu thông. Xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Hà Lĩnh (Km306+000). Xe khách trên 16 chỗ ngồi được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Gia Miêu (Km295+460).
Trên tuyến bố trí các vị trí dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm trên cùng một chiều xe chạy.
Tuyến này ban đầu các phương tiện giao thông chỉ được phép chạy với tốc độ tối đa 80 km/h. Hiện Bộ GTVT đang giao chủ đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam đầu tư phân kỳ với mặt cắt ngang 4 làn xe tiến hành rà soát, đánh giá việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h và sẽ tổ chức điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.
Về trạm dừng nghỉ, Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục theo quy định, dự kiến đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ có trạm dừng nghỉ tại Km329+700 (bố trí hai bên đường cao tốc).
Về việc tổ chức giao thông tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT cho biết phương tiện được lưu thông với tốc độ tối đa 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.
Về phương án khai thác, trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; xe máy, xe mô tô hai bánh; máy kéo, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Hiện Bộ GTVT đã giải phóng mặt bằng và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ theo quy định. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ theo đúng quy định của pháp luật.
Vượt qua khó khăn, làm vì danh dự
Theo Bộ GTVT, ngay sau lễ khởi công hai dự án này, nhận định được tình hình khối lượng thi công của các dự án rất lớn, nhiều công trình có yếu tố kỹ thuật cao, công tác xử lý nền đất yếu phức tạp… Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ thể tham gia dự án khẩn trương lên kế hoạch, tổ chức triển khai công trình ngay từ thời điểm khởi công.
Tuy nhiên quá trình thi công các dự án thành phần dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 1, trong đó có dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, giai đoạn triển khai thực hiện dự án xuất hiện dịch COVID-19, có những thời điểm toàn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu dẫn tới tổng thời gian các công trường phải dừng thi công từ 4 - 6 tháng.
Cạnh đó, năm 2021, 2022, thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ucraina nên giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường, nên chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn. Từ đó các nhà thầu thiếu hụt tài chính và thua lỗ gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Ngoài ra, các dự án đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung, đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp. Dù Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án.
Thêm vào đó, một số nhà thầu còn hạn chế về năng lực, chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công công trình.
Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, Bộ GTVT xác định việc sớm hoàn thành các dự án thành phần cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Bộ GTVT đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của Bộ. Song song đó, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.
Cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên kiểm tra, trong đó có chuyến kiểm tra xuyên Tết, xuyên Việt năm 2022, 2023 với quãng đường hàng nghìn km bằng đường bộ. “Với sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đã cổ vũ rất lớn, tạo ra khí thế tích cực, quyết tâm đối với các Ban quản lý dự án, đơn vị thi công…”- Bộ GTVT khẳng định.
Song song với công tác chỉ đạo điều hành, ngày 10-9-2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ GTVT đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30-4-2023. Đây cũng là “thước đo” để kiên quyết loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực tham gia các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2.
Thực hiện phong trào thi đua do Bộ GTVT phát động, Các Ban Quản lý dự án đã tập trung chỉ đạo các Nhà thầu tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, huy động mọi nguồn tài chính để tổ chức triển khai thi công. Một không khí thi đua, quyết tâm lan tỏa trên khắp các công trường vì chính “danh dự” của các nhà thầu, của ngành GTVT.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, sự cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, tính đến cuối tháng 4-2023, hai dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến.
Sau khi đưa hai dự án vào khai thác sử dụng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện khối lượng công việc còn lại đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình, dự án theo đúng hồ sơ thiết kế, đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 được khởi công vào tháng 9-2020, dài 63,37 km, điểm đầu trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án có quy mô bốn làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, với vận tốc thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư 12.111 tỉ đồng, Ban Quản lý dự án Thăng Long được Bộ GTVT giao là đại diện chủ đầu tư.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6km), tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125, thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, với vận tốc thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 12.577 tỉ đồng và được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.