Quy định kiểm soát khí thải phương tiện phải được thực hiện đồng bộ

Việc Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông như quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ gây chồng chéo, khó khăn cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hai Bộ Giao thông vận tải và Tài nguyên & Môi trường cần thống nhất quy định về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, tránh chồng chéo. Ảnh: TL

Chiều tối 11/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc để thống nhất một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Trước đó, ngày 28/2/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Nội dung dự thảo Luật quy định tại khoản 3 Điều 103 nêu rõ :“Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định của pháp luật”.

Sau khi rà soát, Bộ GTVT thống nhất với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, Bộ TN&MT đã thay đổi nội dung dự thảo Luật. Trong đó bỏ quy định thẩm quyền của các Bộ về xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Đồng thời bổ sung quy định “Bộ TN&MT chủ trì, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông; chủ trì, phối hợp Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành”.

Bộ GTVT đánh giá quy định này sẽ dẫn đến việc chồng chéo với các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT đang quy định tại 7 Bộ luật/Luật (Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, 5 Bộ luật/Luật chuyên ngành GTVT) và các điều ước quốc tế mà Bộ GTVT đang chủ trì thực hiện ổn định từ trước đến nay.

Về quản lý nhà nước Bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống văn bản văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện giao thông. Công tác kiểm tra, chứng nhận về Bảo vệ môi trường đối với phương tiện được Bộ GTVT kết hợp với kiểm tra, chứng nhận về chất lượng.

Do vậy, việc giao Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện GTVT như quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ gây chồng chéo, khó khăn cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Quy chuẩn Việt Nam về khí thải phương tiện GTVT có liên quan chặt chẽ đến kết cấu chế tạo động cơ. Vì thế, việc cơ quan ban hành quy chuẩn không có chuyên môn sâu về kỹ thuật phương tiện có thể dẫn tới quy chuẩn ban hành không đảm bảo tính khả thi khi triển khai áp dụng trên thực tế.

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trên cơ sở tuân thủ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quản lý nhà nước về Bảo vệ môi trường.

Nhiều nội dung quy định chính sách mới được điều chỉnh theo hướng thay đổi, đổi mới cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý cho phù hợp hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động; trong đó, đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án… Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 - Khóa XIV.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, quá trình góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ GTVT đã ban hành 3 văn bản đề nghị Bộ TN&MT sửa đổi, bổ sung 8 nội dung chính liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong GTVT.

Trong đó có 7/8 ý kiến của Bộ GTVT đã được Bộ TN&MT cơ bản tiếp thu và điều chỉnh nội dung dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Một số ý kiến liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT chưa được Bộ TN&MT tiếp thu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao đổi, thảo luận những nội dung còn tồn tại và thống nhất một số nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật và việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Đồng thời hai Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế của hai Bộ GTVT và Tài nguyên & Môi trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật với quan điểm, cách tiếp cận coi BVMT ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là nền tảng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-dinh-kiem-soat-khi-thai-phuong-tien-phai-duoc-thuc-hien-dong-bo-post82305.html