Quy định kinh doanh phòng cháy, chữa cháy có bị chồng chéo?
Theo phản ánh của ông Nguyễn Hữu Duy (Lâm Đồng), một số yêu cầu điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và 15/2021/NĐ-CP đang gây phiền cho doanh nghiệp và chồng chéo trong công tác quản lý.
Tại Điểm b Khoản 3 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định:
“3. Tổ chức không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của Nghị định này khi tham gia các công việc sau:
b) Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy, chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy”.
Tuy nhiên, Điểm c Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu: “c) Đối với thiết kế cơ sở của dự án, công trình:…; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy”.
Và tại Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP yêu cầu điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, thì quy trình cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy cũng phức tạp và yêu cầu cao như đối với việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động.
Như vậy, giữa 2 Nghị định nêu trên tuy tên gọi khác nhau, nhưng bản chất là như nhau. Vì thế, chủ trương cắt giảm giấy phép con cho trường hợp này là không hiệu quả, gây phiền hà cho doanh nghiệp và chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan Nhà nước.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Duy đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, công ty ông cần tuân thủ theo nội dung nào giữa 2 Nghị định trên? Có cần thiết phải bỏ bớt giấy phép con cho doanh nghiệp tư vấn phòng cháy, chữa cháy không?
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, tổ chức phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng khi tham gia hoạt động xây dựng trong các lĩnh vực sau: Khảo sát xây dựng; lập thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế, thẩm tra thiết kế về xây dựng; tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; thi công xây dựng công trình; tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.
Tại Điểm b Khoản 3 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: Tổ chức không yêu cầu có chứng chỉ năng lực theo quy định của Nghị định này khi tham gia thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy, chữa cháy theo pháp luật phòng cháy, chữa cháy.
Như vậy, Điểm b Khoản 3 Điều 83 đã bỏ quy định phải có chứng chỉ năng lực đối với việc thực hiện các công việc liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để không chồng chéo giữa các quy định trong lĩnh vực xây dựng với các quy định trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cũng như trong công tác quản lý giữa các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, nội dung điểm này cũng đã quy định việc tham gia thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy, chữa cháy theo pháp luật phòng cháy, chữa cháy.
Theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công về phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp, cơ sở tham gia kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9a Luật Phòng cháy và chữa cháy và được cụ thể hóa tại Khoản 2, Điểm a và Điểm d Khoản 3, Khoản 4, Khoản 7 Điều 41 và Khoản 13 Điều 45 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Quy định này là bắt buộc đối với tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.