Quy định kịp thời, cấp thiết

Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Với những quy định kịp thời và cấp thiết như: quy định rõ không ủy quyền trong chất vấn, rõ tiêu chí và thời hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong tổng hợp thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND; về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND… đã tăng cường bảo đảm về mặt pháp lý nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương.

Không ủy quyền trong chất vấn

Bên cạnh quy định rõ hơn việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, công khai kết quả thực hiện, lần đầu tiên Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ một trong số các nguyên tắc trong hoạt động giám sát của HĐND là không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Một điểm mới quan trọng cần nói đến là việc không ủy quyền trong chất vấn. Điều 96, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn. Những năm qua, việc thực hiện quyền chất vấn của đại biểu có nhiều đổi mới, thẳng thắn hơn. Thế nhưng, tình trạng ủy quyền trong chất vấn vẫn xảy ra.

Có trường hợp đại biểu chất vấn Phó Chủ tịch UBND phụ trách kinh tế về dự án đầu tư chậm, vậy mà UBND lại phân công cho Trưởng ban Quản lý dự án đăng đàn trả lời. Thành thử chưa rõ trách nhiệm, bởi người trả lời chỉ là tham mưu thực hiện, còn người chịu trách nhiệm lại không đăng đàn. Chất vấn là để làm sáng tỏ vấn đề, quy rõ trách nhiệm trong khi người chịu trách nhiệm chính không đăng đàn nên đại biểu cũng không muốn tái chất vấn. Lần này, Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám của HĐND quy định rõ không ủy quyền trong chất vấn là kịp thời, rõ ràng và cần thiết.

Cũng theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND chuyên trách, việc quy định rõ tiêu chí và thời hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong tổng hợp thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND là một quy định quan trọng, vừa xác định rõ trách nhiệm của Văn phòng giúp việc trong khâu tham mưu chuẩn bị, vừa có thời gian thỏa đáng cho người được chất vấn chuẩn bị nội dung trả lời. Thông thường, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn được truyền hình, truyền thanh trực tiếp, nhiều địa phương công bố đường dây “nóng”, livestream trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát. Chính vì vậy, nếu có sự chuẩn bị chu đáo thì việc trả lời sẽ rõ ràng, trách nhiệm hơn.

Về áp lực khi ngồi ghế “nóng”, một trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện chia sẻ: lên đó như táo quân lên chầu cuối năm bị Nam Tào, Bắc Đẩu hỏi xoáy, đáp xoay, vã cả mồ hôi. Ngoài đại biểu tái chất vấn, việc cử tri và nhân dân phản hồi cũng là một kênh dư luận khá “nóng”, bởi bây giờ mạng xã hội, điện thoại thông minh khá nhanh nhạy. Kinh nghiệm là phải chuẩn bị cho kỹ, đồng thời soát xét hết nội dung ý kiến cử tri liên quan để nếu cần thiết có thể giải trình luôn cho rõ ràng.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh giám sát trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh về tình hình thực hiện đầu tư các dự án
Ảnh: Bình Nguyên

Số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của cơ quan dân cử đã được Quốc hội và HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp tỉnh quan tâm áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan dân cử được tăng cường đã phát huy hiệu quả thiết thực. Thể hiện rõ nét nhất là việc Quốc hội Khóa XV tổ chức kỳ họp bất thường đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào tháng 1.2022. Tại nhiều địa phương, HĐND cấp tỉnh đã có những chuyển biến trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động, nhằm đáp ứng kịp thời với yêu cầu phải đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung.

Việc tổ chức kỳ họp trực tuyến được khá nhiều địa phương áp dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, những khái niệm “kỳ họp không giấy”, số hóa hoạt động… không còn xa lạ với đại biểu dân cử, nhiều đơn vị đã thực hiện và áp dụng phần mềm Quản lý kỳ họp HĐND bằng phần mềm “kỳ họp không giấy”. Qua thực hiện cho thấy, bước đầu giảm bớt khối lượng công việc cho Văn phòng, tiết kiệm được nguồn kinh phí và được nhiều đại biểu đón nhận bởi tài liệu được chuyển đến tay đại biểu nhanh nhất, sớm nhất, tránh sai sót, tiết kiệm được chi phí về nhân lực cũng như giấy tờ để in ấn tài liệu.

Vì vậy,Điều 29 của Nghị quyết về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND rất kịp thời và cần thiết. Để vận dụng hiệu quả CNTT, thực hiện số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND, bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và cơ quan lên quan, trước hết cần bảo đảm hạ tầng CNTT phải đi trước một bước. Tiếp đó, quy định thống nhất việc chuyển tải văn bản, tài liệu theo hình thức “không giấy”. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn, trang bị kỹ năng cho đại biểu trong việc làm chủ công nghệ để phục vụ cho chính hoạt động giám sát của mình. Xem xét có thể linh động tận dụng mạng xã hội để tham vấn ý kiến cử tri nhằm có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, khảo sát để phục vụ cho việc chất vấn, nhất là các vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/quy-dinh-kip-thoi-cap-thiet-i300781/