Quy định lỏng lẻo: Xe hợp đồng sẽ bóp nghẹt taxi ?
Hà Nội hiện có khoảng 18.000 xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (xe hợp đồng) dưới 9 chỗ, còn nhiều hơn cả xe taxi. Với quy định xe hợp đồng dưới 9 chỗ được gom khách lẻ, taxi và cả xe khách tuyến cố định đang dần bị chèn ép, bóp nghẹt.
Thả nổi cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động
Tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ mới chỉ có quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản. Còn xe hợp đồng dưới 9 chỗ thì không nhắc tới.
Với những hành vi luật không cấm, không yêu cầu, DN và cá nhân có quyền thực hiện. Như vậy nghĩa là xe hợp đồng dưới 9 chỗ (hành khách) được quyền gom khách lẻ, không cần có hợp đồng chứng minh hoạt động vận chuyển cả mình thực hiện đúng theo loại hình đăng ký kinh doanh.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng Trần Hồng Phong đặt câu hỏi: “Bộ GTVT đã vô tình hay cố ý tạo ra kẽ hỡ lớn này cho xe khách, taxi trá hình. Được gom khách lẻ, không cần hợp đồng, vậy có khác gì thả nổi cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ muốn hoạt động kiểu gì cũng được?”.
Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đỗ Hương Giang cho biết, toàn TP hiện có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó có tới 18.000 chiếc dưới 9 chỗ. Trong khi đó TP chỉ có hơn 15.000 xe taxi, 3.300 xe khách tuyến cố định.
Có thể thấy lượng xe hợp đồng, đặc biệt là xe dưới 9 chỗ đã lấn lướt và đang ngày càng gia tăng trên thị trường vận tải hành khách. Giờ đây với quy định mới tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ, không chỉ xe khách tuyến cố định mà ngay cả xe taxi cũng đang chịu uy hiếp rất lớn từ hoạt động cạnh tranh khốc liệt và thiếu lành mạnh của xe hợp đồng dưới 9 chỗ.
Vị Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội cho rằng có tình trạng xe biển trắng chở khách âm thầm hoạt động không đúng quy định, nhưng không dễ để ngăn chặn, xử phạt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng chia sẻ, hiện có tình trạng xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động như taxi. Cũng như xe khách tuyến cố định, taxi phải nộp nhiều loại thuế phí thì xe hợp đồng lại không, dẫn đến chênh lệch giá cước giữa hai loại hình và taxi ngày càng khó cạnh tranh.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, thực tế loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ đang được thả nổi, muốn kinh doanh kiểu taxi hay xe khách tuyến cố định mặc ý, không có cơ sở nào để kiểm soát, hay căn cứ vững chắc để xử phạt.
Làm rõ căn cứ và trách nhiệm
Lãnh đạo một DN taxi tại Hà Nội (xin giấu tên) chia sẻ: “Các DN taxi đang rất lo lắng và bức xúc trước quy định xe hợp đồng dưới 9 chỗ hành khách không phải làm hợp đồng bằng văn bản. Thả nổi như vậy là mở đường cho xe hợp đồng bóp nghẹt taxi”.
Vị này phân tích, mỗi chiếc taxi để hoạt động được phải đăng ký thủ tục, chấp hành rất nhiều các quy định ràng buộc. Đặc biệt là cước phải thu qua đồng hồ, là căn cứ để tính thuế.
Trong khi đó xe hợp đồng chỉ cần thủ tục đơn giản, không khai báo doanh thu cũng chẳng ai biết vì chẳng có căn cứ nào để kiểm tra, giám sát. “Căn cứ chặt chẽ, cụ thể nhất để quản lý xe hợp đồng là hợp đồng vận chuyển không cần làm thì có khác gì ưu tiên cho xe dưới 9 chỗ mạnh ai nấy chạy. Xe taxi không thể cạnh tranh theo kiểu bất công như vậy được, chắc chắn sẽ thua” - Vị lãnh đạo DN nêu trên nói.
Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, xe khách trong bến đang làm theo luật là xuất phát theo giờ cố định nhưng xe hợp đồng lại có thể “xé rào”, chạy tùy ý.
Các nhà xe hiện nay bán vé trực tuyến nên không có việc xếp hàng mua vé, gây ách tắc, cứ xe nào đủ khách là đi. Xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như tham quan, du lịch, công nhân, học sinh, phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên trên nhiều khung giờ, từ đó nảy sinh xe hợp đồng chạy như xe cố định.
Như vậy có thể thấy nguy cơ xe hợp đồng lấn lướt, bóp nghẹt các loại hình kinh doanh vận tải khách như: xe tuyến cố định, xe taxi đã được nhận diện rõ. Vậy vì sao Luật Đường bộ vẫn tồn tại kẽ hở để xe hợp đồng dưới 9 chỗ “tung hoành”.
Nguyên Trưởng phòng Điều độ HTX vận tải Tín Lợi Vương Văn Kha chia sẻ, cần làm rõ căn cứ vì sao có quy định tạo kẽ hở cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động tùy tiện, gây rối loạn thị trường vận tải. Nếu đây là lỗi từ khâu soạn thảo luật thì phải quy trách nhiệm rõ ràng.
“Trong khoảng 5 năm qua, xe khách tuyến cố định, taxi đã phải chịu vô vàn áp lực, điêu đứng, kiệt quệ. Tiếp tục mở đường cho xe hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh là đẩy các DN vào đường cùng, làm xô lệch nền kinh tế, đặc biệt là thất thu thuế cho Nhà nước” - ông Vương Văn Kha nói.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-dinh-long-leo-xe-hop-dong-se-bop-nghet-taxi.html