Quy định 'Made in Vietnam' chưa chặt
Ngày 25-7, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo thông tư quy định về 'cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam'. Bộ đưa ra hai nhóm sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam.
Hàng hóa được xem là có xuất xứ thuần túy Việt Nam, theo dự thảo, có thể kể đến như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam, động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam...
Nhưng vấn đề là nếu những sản phẩm nông sản này có giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu đều đến từ nước ngoài thì có còn được coi là sản phẩm thuần túy Việt Nam nữa không? Nếu những nông sản này đương nhiên được coi là có xuất xứ thuần túy Việt Nam và là đầu vào của quá trình sản xuất sản phẩm khác thì sẽ khiến hàm lượng Việt Nam trong các sản phẩm này cao lên một cách giả tạo.
Đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, Bộ Công Thương đưa ra khái niệm “hàm lượng giá trị gia tăng” (VAC) được tính theo hai công thức:
a. Công thức trực tiếp:
VAC = (Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam/Trị giá EXW(1)) x 100%
b. Công thức gián tiếp:
VAC = [(Trị giá EXW - Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam)/Trị giá EXW] x 100%
Theo Hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts - SNA) của Liên hiệp quốc được cả thế giới áp dụng và Việt Nam chính thức áp dụng từ năm 1993 (Quyết định 182/TTg của Thủ tướng Chính phủ), giá trị gia tăng (value added) theo giá cơ bản được tính bằng hai cách: (1) bằng giá trị sản xuất theo giá cơ bản (tương đương với giá xuất xưởng của hàng hóa) - chi phí trung gian (chi phí đầu vào) hoặc (2) bằng thu nhập của người lao động + thặng dư sản xuất + khấu hao tài sản cố định + trợ cấp sản xuất (thường ở Việt Nam không tính khoản này).
Hàm lượng giá trị gia tăng được hiểu là tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất.
Như vậy cách gọi “hàm lượng giá trị gia tăng, tức VAC” như của Bộ Công Thương là khó hiểu và không nhất quán với chuẩn mực quốc tế và Quyết định 183/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thiết nghĩ Bộ Công Thương nên đặt một cái tên khác để phù hợp với công thức, ví dụ như hàm lượng Việt Nam trong giá trị sản phẩm.
Hơn nữa, trong công thức gián tiếp tính VAC, về bản chất nếu phân tách tường minh trị giá EXW thì sẽ không có ý nghĩa, thậm chí còn mâu thuẫn với công thức trực tiếp.
Bộ Công Thương đưa ra hai cách tính tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nhưng vấn đề là tại sao lại đặt ra tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 30% trở lên thì được xem như sản phẩm đó có xuất xứ Việt?
Theo số liệu từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất theo giá cơ bản khoảng 67%, trong đó, tỷ lệ chi phí trung gian là sản phẩm dịch vụ chiếm khoảng 15%, khoản này (như điện, nước...) chắc chắn có hàm lượng Việt Nam.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 15% hàm lượng giá trị gia tăng nữa (như bao bì, đóng gói...) là sản phẩm coi như có xuất xứ Việt Nam. Nếu hàm ý của công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng trực tiếp là các khoản chi phí có xuất xứ Việt Nam thì việc ra thông tư này không có ý nghĩa vì gần như sản phẩm của doanh nghiệp nào cũng có thể ghi là có xuất xứ Việt Nam (sản xuất tại Việt Nam).
(1) Theo dự thảo của Bộ Công Thương, trị giá EXW là trị giá xuất xưởng của hàng hóa
Bùi Trinh
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292450/quy-dinh-made-in-vietnam-chua-chat-.html