Quy định mới tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT

Quy định mới sẽ bổ sung đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí…

Nghị định 75/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 3-12-2023. Trong đó, một số quy định đã bắt đầu được thực hiện từ tháng 11-2023.

Song song với việc tăng quyền lợi khi tham gia BHYT, Nghị định 75/2023 cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao đối với ngành BHXH Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.

Nhằm giúp bạn đọc nắm rõ hơn về những quy định mới, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM (ảnh), xoay quanh quy định mới của Nghị định 75/2023.

 Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bổ sung đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí

. Phóng viên: Thưa bà, theo quy định tại Nghị định 75/2023, những ai sẽ được bổ sung vào đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí?

+ Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Nghị định 75/2023 đã bổ sung hai nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT.

Nhóm thứ nhất, người dân sinh sống tại các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng.

Nhóm thứ hai, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy việc Nghị định 75/2023 đưa nhóm đối tượng thứ hai vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mục đích của Nghị định 75/2023 là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT. Qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT.

Đồng thời, quy định tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT. Việc này thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.

. Theo quy định hiện nay, một số người thuộc đối tượng tham gia BHYT khác sẽ có mức hưởng khác nhau. Vậy đối tượng nào sẽ được nâng mức hưởng BHYT theo quy định tại Nghị định 75/2023?

+ Nghị định 75/2023 sẽ bổ sung, nâng mức hưởng khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Cụ thể, có ba đối tượng được nâng mức hưởng BHYT từ 80%, 95% đến 100%.

Thứ nhất, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, được nâng từ mức hưởng 80% lên 100% chi phí KCB BHYT.

Thứ hai, người phục vụ người có công với cách mạng, được nâng từ mức hưởng 80% lên 95% chi phí KCB BHYT.

Thứ ba, vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (mã TG) có mức hưởng 95% chi phí KCB BHYT.

Mục đích của Nghị định 75/2023 là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Thay đổi cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT

. Về cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, theo quy định mới sẽ có sự thay đổi như thế nào so với trước đây?

+ Về cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị định 75/2023 sẽ được điều chỉnh và thời gian được điều chỉnh bắt đầu từ ngày 1-1-2019.

Trong đó, quy định các bệnh viện được cơ quan BHXH thanh toán theo giá viện phí hiện hành và thuốc, vật tư y tế đã cung ứng cho người có thẻ BHYT và được đấu thầu hợp pháp.

Như vậy, Nghị định 75/2023 đã bỏ tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT.

. Bà có đề nghị gì đối với các cơ sở KCB để người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi?

+ Nghị định 75/2023 được giao tự chủ nhiều về quản lý chi phí KCB cho cơ sở KCB và cơ quan BHXH.

Cụ thể, các cơ sở KCB được thực hiện thanh thực chi. Tuy nhiên, trong nghị định này có hai khía cạnh. Thứ nhất, về trách nhiệm của cơ sở KCB khi đưa ra chi phí thanh toán, cơ quan BHXH sẽ phân tích chi phí KCB. Nếu chi phí KCB BHYT tăng so với các bệnh viện cùng hạng, cùng tuyến, khi ấy cơ quan BHXH sẽ thông báo dữ liệu thông báo việc chi tăng đó cho cơ sở KCB. Lúc này, cơ sở KCB có trách nhiệm tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, Nghị định 75/2023 cũng quy định việc cơ sở KCB chi tăng so với số chi mà cơ quan BHXH thông báo dự kiến chi thì cơ sở KCB có trách nhiệm tổng hợp dữ liệu gửi cơ quan BHXH các tỉnh, thành. Sau đó, BHXH các tỉnh, thành sẽ gửi BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam sẽ cân đối từ quỹ dự phòng để chuyển cho BHXH các tỉnh, thành thanh toán cho cơ sở KCB.

Tuy nhiên, trước khi thanh toán thì cơ quan BHXH các tỉnh, thành phải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, cơ sở KCB để rà soát và xác định chi phí này trước khi thanh toán.•

Đảm bảo đầy đủ quyền lợi BHYT của người dân

BHXH TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các nội dung của Nghị định 75/2023. Thực hiện việc tuyên truyền, vận động sâu rộng đến đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, BHXH TP.HCM sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị quản lý từng nhóm đối tượng, kịp thời cấp thẻ BHYT, đổi mã quyền lợi nâng mức hưởng cho các nhóm đối tượng được bổ sung tại nghị định này.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ sở KCB giám định, thanh quyết toán; thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB; chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở KCB về các chi phí KCB BHYT tăng cao so mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Quỹ BHYT, phòng, chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi Quỹ BHYT.

Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-dinh-moi-tang-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-bhyt-post763763.html